Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rét đậm, rét hại, gia tăng người nhập viện

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang trong những ngày rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ em, những người có bệnh mãn tính về hô hấp, xương khớp, tim mạch, huyết áp, đột quỵ...

Chuyên gia y tế khuyến cáo, trong những ngày rét đậm, rét hại, trẻ nhỏ và người cao tuổi cần phải được quan tâm, chú ý nhiều hơn.

Nguy cơ đột quỵ não, bệnh tim mạch “tấn công” người cao tuổi

Thời gian qua, Khoa Cấp cứu Bệnh viện E liên tiếp tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch. Điều đáng nói, đột quỵ não ngày càng trẻ hóa, khiến nhiều người bệnh chủ quan. Ngược lại, bệnh lý tim mạch lại “tấn công” người già…

Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện E tiếp nhận nam người bệnh (34 tuổi ở Bắc Từ Liên, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng yếu nửa người trái, nói khó… Ngay lập tức, các bác sĩ cấp cứu người bệnh, tiến hành làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết xác định người bệnh bị đột quỵ não.

Khai thác tiền sử bệnh án, người bệnh có biểu hiện yếu nửa người, nói khó khi đang chơi thể thao (bóng bàn) tại cơ quan sau giờ làm việc… Nhiều người đều nghĩ người bệnh bị trúng gió nhưng người bệnh thấy yếu nửa người, nói khó… nên đã đến cấp cứu tại Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E.

Đột quỵ não ngày càng trẻ hóa, khiến nhiều người bệnh chủ quan
Đột quỵ não ngày càng trẻ hóa, khiến nhiều người bệnh chủ quan

Người bệnh được chấn đoán là tắc mạch máu não cấp đến trong “thời gian vàng” sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cho biết, thời tiết biến đổi thất thường khiến người bệnh nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch. Rất may cho người bệnh, nhờ áp dụng tiêu chí chất lượng điều trị đột quỵ thế giới, Bệnh viện E là một trong số ít cơ sở y tế ở Hà Nội đã tối ưu hóa thời gian từ khi cấp cứu vào viện đến khi được can thiệp thành công chỉ từ 25-30 phút.

Trong những ngày đợt rét đậm, rét hại, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Lão khoa Trung ương tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng 1,5 lần so với bình thường. Viêm phổi và tai biến mạch máu não là hai bệnh phổ biến nhất mà người cao tuổi dễ gặp phải.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch trong những ngày lạnh tăng khoảng 20%. Bác sĩ Đỗ Hữu Nghị - Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cho bệnh tim mạch tăng cao hơn vào mùa đông lạnh giá.

Đơn cử như, thời tiết lạnh làm tăng tiết các catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Vào mùa Đông lạnh, huyết áp thường tăng cao hơn so với mùa hè khoảng 5mmHg, việc duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.

Người già, trẻ nhỏ là những độ tuổi có sức đề kháng yếu, rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt khi mà thời tiết mùa Đông lại tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển, nhiệt độ xuống thấp cũng khiến cho người cao tuổi gặp những vấn đề về đường hô hấp, tim mạch, đột quỵ hay cơ xương khớp.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh cao tuổi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên).
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh cao tuổi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên).

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên), số trẻ đến khám, nhập viện điều trị do virus hợp bào hô hấp (RSV) tăng nhanh, đặc biệt virus gây ra những diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền.

Em bé 3 tuổi của gia đình chị Nguyễn Thị Cúc (quận Long Biên) nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, thở khò khè. Các bác sĩ chẩn đoán cháu đã bị nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV. Chị Cúc cho biết, cháu bé có triệu chứng đầu tiên là ngạt mũi, amidan, đến viện khám, cháu có thêm triệu chứng sốt cao hơn nhiều.

Ngoài loại virus trên, trong thời tiết rét đậm, rét hại, các cơ sở y tế cũng tiếp nhận thêm nhiều trường hợp bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Đặc biệt, mùa Đông, thời tiết lạnh, số bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp cũng tăng lên. Mỗi ngày, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận từ 20 - 25 bệnh nhi tới khám và điều trị các bệnh về đường hô hấp.

Chủ động chống rét cho người bệnh

Mùa Đông không chỉ làm gia tăng số trẻ em mắc bệnh hô hấp mà còn khiến số ca người cao tuổi mắc đột quỵ cũng tăng lên nhanh chóng. Bệnh nhân T.V.T. (80 tuổi, trú tại quận Long Biên) có tiền sử tiểu đường, tuy nhiên, do tập thể dục vào sáng sớm và không mặc đồ ấm, ông đã bị đột quỵ.

Đột quỵ ở người cao tuổi là tình trạng diễn ra khá phổ biến hiện nay. Ở nước ta mỗi năm có hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó số ca diễn biến xấu và cướp đi mạng sống, chiếm đến 50 % đột quỵ, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh.

Theo nghiên cứu, có từ 60% - 70 % bệnh nhân phải có sự trợ giúp của người thân trong sinh hoạt hàng ngày, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Do đó, việc phát hiện sớm đột quỵ ở người già rất có lợi cho sức khỏe, có thể hạn chế di chứng về sau hoặc giảm nguy cơ tử vong.

Bác sĩ Đoàn Văn Phúc – Trưởng khoa Thần Kinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, những thích nghi về nhiệt độ của người cao tuổi trong mùa Đông sẽ kém hơn so với người bình thường.

Do đó, về mùa Đông, người cao tuổi nên lưu ý, hạn chế thay đổi nhiệt độ khi tắm. Khi tập thể dục, người cao tuổi nên mặc ấm hơn so với bình thường, hạn chế thấp tập thể dục buổi sáng.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Mùa Đông, người cao tuổi nên tập thể dục vào buổi chiều. Ngoài ra, người cao tuổi nên mặc áo ấm trước khi dậy đi vệ sinh vào buổi sáng sớm.

Ngoài đột quỵ, trời lạnh, nếu người dân không giữ ấm, rất có thể bị liệt dây thần kinh số 7. Vì vậy, trước diễn biến phức tạp của thời tiết rét đậm, rét hại tăng cường kéo dài, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường phòng chống rét để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân khám ngoại trú và điều trị nội trú và nhân viên y tế như sử dụng hệ thống quạt sưởi và điều hòa hai chiều quen.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiều bệnh viện tại Hà Nội cũng đã thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống rét như sử dụng hệ thống quạt sưởi, điều hòa hai chiều để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân và nhân viên y tế khám chữa bệnh.

Để giảm thiểu tác hại thời tiết đối với sức khỏe Nhân dân, người bệnh và người nhà chăm sóc người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế tăng cường công tác phòng, chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh.

Trong đó, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp như các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp… có nguy cơ xảy ra nhiều hơn trong thời tiết giá lạnh.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm việc phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện: Nơi xếp hàng chờ khám, khoa khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, buồng bệnh… cần bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi và phương tiện giữ nhiệt độ phù hợp như yêu cầu của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện 2.0.

Ngoài ra, thực hiện phòng, chống rét cho người nhà người bệnh hợp lý, không để người nhà người bệnh nằm trên sàn nhà lạnh, hành lang hoặc ghế đá ngoài trời, gây nguy hại đến sức khoẻ.

 

Để phòng, chống đột quỵ trong những ngày giá rét, người cao tuổi phải xem thời tiết hàng ngày, đặc biệt là chất lượng không khí. Buổi sáng, người cao tuổi không nên ra ngoài trời tập, có thể ra tập khoảng 7-8 giờ sáng hoặc tập buổi chiều tốt nhất để phòng tránh đột quỵ.

Ngoài ra, mùa lạnh, người cao tuổi có thể tăng cường sức khỏe bằng cách tập thể dục lúc nắng lên để giải phóng vitamin D. Ngoài ra, người cao tuổi có thể sử dụng những thực phẩm như nước trà nóng, nước gừng nóng, những sản phẩm vitamin an toàn để thể tăng cường sức khỏe cho mình, tùy theo thể trạng của từng người.

Đặc biệt, người cao tuổi phải giữ huyết áp, độ đường huyết, cholesterol trong cơ thể. Bởi đó là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh đột quỵ.

GS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu sức khoẻ Người cao tuổi và Y tế cộng đồng