Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rõ hơn những quy định đặc thù với Thủ đô

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 26/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự án Luật Thủ đô.

 
Dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương với 28 điều. Trong đó xác định Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan T.Ư của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Rõ hơn những quy định đặc thù với Thủ đô - Ảnh 1

Xây dựng hệ thống giao thông hợp lý, kết nối Thủ đô với các vùng phụ cận sẽ giải quyết được vấn đề quá tải dân số của Hà Nội. Trong ảnh: Đường Vành đai 3 trên cao vừa được đưa vào sử dụng đã góp phần giảm tải ùn tắc giao thông cho Thủ đô.Ảnh: Huy Hùng

Dự thảo cũng đưa ra những quy định cụ thể như: nội thành Thủ đô sẽ không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới ở Thủ đô phải dành tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở cao hơn so với quy định chung của cả nước để phát triển nhà ở xã hội; các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp nguy hiểm phải được cải tạo, xây dựng lại theo tiêu chí bảo đảm mật đô dân cư theo quy hoạch, giảm mật độ xây dựng, tăng hiệu quả sử dụng đất. Luật cũng cho phép HĐND được ban hành biện pháp để thực hiện quy định này.

Thắt chặt điều kiện nhập cư,  dù chưa tối ưu nhưng cần thiết

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể một số biện pháp nhằm giảm số lượng dân cư tập trung quá đông ở nội thành, trong đó việc di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội thành là bắt buộc. Đồng thời, đưa ra các phương án về quản lý nhập cư để xin ý kiến Quốc hội. Theo phân tích của Chính phủ, kiểm soát dân cư ở nội thành bằng biện pháp hành chính tuy chưa phải giải pháp tối ưu, nhưng cần thiết để bảo đảm quy mô, mật độ dân cư theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Do đó, cơ quan soạn thảo Luật đưa ra 2 phương án quy định việc nhập cư vào nội thành. Phương án 1, người lao động "có biên chế" hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn được đăng ký thường trú ở nội thành với điều kiện kèm theo: Có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở. Ngoài ra, thời hạn tạm trú tại chỗ ở đó phải đảm bảo từ đủ 3 năm trở lên. Phương án 2, ngoài những điều kiện trên, có thêm điều kiện nhà thuê thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5m2/người.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh. Theo số liệu do Công an TP Hà Nội cung cấp, kể từ khi Luật Cư trú có hiệu lực, mỗi năm trung bình có khoảng 50.000 người đăng ký thường trú vào nội thành (tăng hơn gấp 3 lần so với mức 15.000 người/năm trước đây). Theo tính toán của Bộ Tư pháp, nếu áp dụng quy định theo phương án 1, mỗi năm số người đăng ký thường trú sẽ giảm khoảng 28% (tương đương 14.000 người); phương án 2 giảm khoảng 38% (tương đương 19.100 người) so với mức hiện nay.

Thẩm tra dự án Luật Thủ đô, các thành viên Ủy ban (UB) Pháp luật cũng nhận định, thực tế tình trạng gia tăng dân số cơ học ở Thủ đô hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải đối với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo nên những áp lực về giao thông, trường học, chỗ ở, y tế, việc làm… Tuy việc "thắt chặt" này chưa phải là giải pháp tối ưu, nhưng cũng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư thường trú trong nội thành. Do đó, nhiều ý kiến trong UB Pháp luật tán thành với phương án 1. Nhưng lưu ý, quy định cần chặt chẽ hơn như muốn đăng ký thường trú ở nội thành phải đóng thuế hoặc phí cao hơn hoặc phải do cấp chính quyền cao nhất là UBND TP Hà Nội quyết định, hoặc thông qua biện pháp quản lý dân cư bằng quy hoạch, có thể quy định tăng diện tích sàn trên đầu người tối thiểu...

Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Về lâu dài, cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận... mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề quá tải dân cư của Hà Nội.

Tăng phí

Đối với đề xuất mức thu phí trong lĩnh vực giao thông vận tải ở nội thành cao hơn nhưng không quá 2 lần quy định chung, Chính phủ nhận định: Tăng phí chưa phải là giải pháp tối ưu để hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Tuy nhiên, trước mắt, khi chưa có đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, cần tiếp tục có giải pháp để giải quyết vấn nạn ùn tắc. Hơn nữa, việc thu phí cao hơn không vì mục đích thu, mà để giảm ùn tắc, trước hết là vào giờ cao điểm.

Rõ hơn những quy định đặc thù với Thủ đô - Ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình dự án Luật Thủ đô.Ảnh: Minh Điền

UB Pháp luật cũng xác định, so với các địa phương khác, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, mật độ dân cư, lưu lượng người tham gia giao thông tăng nhanh trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập… Trong bối cảnh như vậy, cần cho phép Hà Nội quy định mức phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm góp phần hạn chế số lượng phương tiện tham gia giao thông, đồng thời huy động thêm nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng...

Đồng tình với đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn trong 3 lĩnh vực: văn hóa; đất đai; xây dựng, UB Pháp luật lưu ý, việc áp dụng mức tiền phạt vi phạm hành chính cao hơn chưa phải là biện pháp hữu hiệu nhất để Hà Nội giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay, nhưng xét về vị trí, vai trò và tình hình thực tiễn của Hà Nội thì phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn trong 3 lĩnh vực này mới đủ sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, bảo đảm trật tự quản lý hành chính ở Thủ đô.

Dự thảo Luật cũng đưa ra một số cơ chế, chính sách như, mức phân bổ chi ngân sách cao hơn cho Thủ đô; cho phép Thủ đô được sử dụng các khoản thu ngân sách T.Ư vượt dự toán; ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn thực hiện các chương trình, dự án, nguồn tín dụng Nhà nước cho Thủ đô để đầu tư các công trình, dự án quan trọng về xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và môi trường… Các đề xuất này cũng nhận được sự đồng tình của UB Pháp luật.

Chiều nay, dự thảo Luật Thủ đô sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ, phiên thảo luận tại hội trường diễn ra sáng 5/11, trước khi đưa ra biểu quyết chiều 21/11.

Dự thảo Luật Thủ đô quy định các khu vực cần tập trung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ở Hà Nội là khu vực Hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch, khu vực Ba Đình; Di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; di tích Hoàng Thành Thăng Long; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; các di tích quốc gia đặc biệt khác trên địa bàn Thủ đô; Phố cổ, làng cổ, biệt thự cũ. UB Pháp luật cũng tán thành với quy định của dự thảo Luật về biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.