Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rõ hơn trách nhiệm

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư dù không phải là những vấn đề mới, song liên tục “nóng” bởi những bức xúc, bất cập xảy ra. Đặc biệt, khi các tòa nhà chung cư liên tục mọc lên kéo theo không ít vấn đề cần giải quyết. Việc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành và đưa vào triển khai Nghị quyết 26 để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý vấn đề này đã “cột” thêm trách nhiệm phối hợp của các cấp ủy, đến chính quyền, chung tay tháo gỡ những vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

 Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 của Thành ủy về quản lý nhà chung cư, không chỉ giúp nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư và người mua nhà mà còn tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp của các cấp uỷ, chính quyền, các ngành...
Hiện các quy định về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được đánh giá là khá đầy đủ, nhưng thực tiễn cho thấy, hàng loạt vấn đề vẫn đang xảy ra, từ việc không dung hòa lợi ích giữa các bên, chưa minh bạch hóa thông tin khiến nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng lộn xộn, tranh chấp. Từ tình trạng người dân không có thông tin về quỹ bảo trì chung cư 2%, phí dịch vụ quản lý vận hành, thiếu hạ tầng xã hội, khoảng trống trong quản lý hành chính… đến việc thu, chi khi cho thuê kinh doanh diện tích tầng một, sở hữu chung riêng... vẫn luôn là vấn đề khiến nhà quản lý “đau đầu” khi khúc mắc xảy ra.
Bởi thế, tình trạng tranh chấp khiếu kiện liên quan đến nhà chung cư xảy ra ngày càng nhiều, ngay tại Hà Nội, thống kê cũng cho thấy, có hàng trăm chung cư rơi vào tình trạng này. Thậm chí, nhiều chung cao cấp cũng không tránh khỏi lùm xùm, ầm ĩ. Trong đó, một số tòa nhà được xây dựng trước đây vẫn chưa thành lập ban quản trị, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, nhưng có nơi chính quyền ngó lơ, thiếu sự kiểm soát.
Hiện Bộ Xây dựng đã công bố dự thảo Thông tư về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, đưa ra các điểm mới, sát thực tiễn hơn. Trong đó, có phân cấp cũng như tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý, vận hành nhà chung cư, nhất là cấp phường, xã, nơi gần và sát việc quản lý nhà chung cư nhất...
Tại Hà Nội, với việc triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 của Thành ủy về quản lý nhà chung cư, không chỉ giúp nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư và người mua nhà mà còn tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp của các cấp uỷ, chính quyền, các ngành… Trong đó, nhiều nhiệm vụ được nhấn mạnh, các giải pháp được lưu ý, đặc biệt, nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và thanh tra của các cấp, các ngành; kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm các hành vi vi phạm…
Thực tế cho thấy, chủ trương, nghị quyết có đúng, trúng đến đâu thì quan trọng vẫn ở khâu tổ chức, trong đó có sự giám sát, đôn đốc, đánh giá thường xuyên. Bởi thế, để việc triển khai đem lại hiệu quả thiết thực, trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ liên quan của các cấp phải được phát huy tốt đúng với phương châm sâu sát, quyết liệt; thể hiện xuyên suốt quá trình từ khâu ban đầu như quy hoạch, chuẩn bị dự án, xây dựng, giám sát, đưa vào vận hành.