Rõ thực tế để giáo viên tin tưởng

Trung Anh ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học (dự thảo sửa đổi Thông tư 30) của Bộ GD&ĐT là tín hiệu lạc quan, bởi Bộ đã lắng nghe, hiểu được những bất cập sau 2 năm thực hiện.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, dự thảo về cơ bản đã đáp ứng được một số nguyện vọng của phụ huynh và giáo viên (GV), song khi thực hiện có mấy vấn đề cần quan tâm: Đả thông tư tưởng GV, phụ huynh; sĩ số HS, tăng GV/lớp...
Rõ thực tế để giáo viên tin tưởng - Ảnh 1
“Việc đánh giá HS theo mức A - B - C là hợp lý. Trong đó, điều đáng kể nhất là nội dung “Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ 1 và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, GV có thể cho HS làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của HS". Hơn nữa, việc không yêu cầu GV phải ghi chép vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục cũng là điều tích cực, làm giảm bớt áp lực công việc cho người thầy. Việc tăng thêm 2 bài kiểm tra Tiếng Việt và Toán vào giữa kỳ đối với HS lớp 4, lớp 5 cũng cần thiết, giúp HS bớt bỡ ngỡ khi lên cấp THCS. Chi tiết này cộng với việc đánh giá HS theo các mức A - B - C sẽ là một dạng “định lượng”, giúp phụ huynh bớt băn khoăn về lực học của con mình. Dự thảo đã quan tâm đến GV nhiều hơn, bên cạnh đó cũng đã hướng dẫn thế nào là A, B...

  Tuy vậy, khi thực hiện có mấy vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, việc GV, phụ huynh chưa hiểu, phải làm rõ hơn, phải đả thông cho GV, phụ huynh ổn định tư tưởng. Bộ GD&ĐT làm rõ cơ sở thực tiễn, để GV, phụ huynh tin tưởng đi theo con đường đó. Thứ hai, quan trọng hơn là điều kiện để GV làm tốt việc này: Đầu tiên số lượng HS ít (hiện sĩ số bình quân 50 HS/lớp) nếu không tách được lớp phải thêm GV. Chẳng hạn một lớp 25 HS/GV, thì 50 HS/lớp/2 GV. Nếu không chuẩn bị kỹ cho GV sẽ rất khó làm. Ngoài ra, cần có cán bộ nòng cốt để hướng dẫn, chứ không thể làm qua quýt. Đặc biệt, không áp đặt về mặt thủ tục hành chính, một số công việc hành chính đừng ép mà để GV tự phát huy thế mạnh, sáng kiến của mình...

Bất kể việc gì khi thực hiện sẽ có những khó khăn nhất định, nhưng cách đánh giá này là vì sự tiến bộ của HS, giảm áp lực không đáng có, nhất là với HS tiểu học. Bởi vậy, dù khó khăn, chúng ta vẫn phải bắt tay làm, khó, vướng khâu nào, cùng tháo gỡ để Thông tư 30 thực sự mang lại hiệu quả”.