Rõ trách nhiệm trong phòng, chống buôn lậu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần đồng bộ nhiều giải pháp trong hoạt động chống buôn lậu, đó là ý kiến của đa số đại biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014, do Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương tổ chức hôm qua (1/7).

Đủ mọi mánh khóe

Mặc dù đã có yêu cầu không được nhập khẩu thiết bị y tế cũ, nát về Việt Nam và đưa mặt hàng này vào diện phải bắt buộc kiểm tra nhưng để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng nhập lậu đã đưa ra những thủ đoạn mới.

Vừa qua, Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài qua kiểm tra đã phát hiện Công ty TNHH A.N.N.A, địa chỉ số 18, ngõ 110, đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy nhập lậu máy sinh hóa dùng trong y tế. Tại tờ khai hải quan số 23068/NKD01, ngày 12/12/2013, lô hàng nhập về là một máy sinh hóa tự động Hitachi 917, mới 100%, xuất xứ từ Nhật Bản. Nhưng qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện đây là máy đã qua sử dụng và dòng máy này đã ngừng sản xuất từ năm 2005. Ông Trịnh Văn Ngọc - Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 90.926 vụ buôn lậu, gian lận thương mại (giảm 1.057 vụ, bằng 1,15% so với cùng kỳ năm 2013), nhưng số thu về cho ngân sách đã tăng 27,45 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong 6 tháng đầu năm bị bắt giữ đã giảm nhưng quy mô buôn lậu lại có xu hướng tăng.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội thu giữ thực phẩm nhập lậu tại quận Long Biên.     Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội thu giữ thực phẩm nhập lậu tại quận Long Biên. Ảnh: Hoài Nam
Thực tế hoạt động chống buôn lậu cho thấy, dân buôn lậu không tập trung vào một số ngành hàng như trước mà mọi mặt hàng có lãi đều có thể thành được nhập lậu. Đặc biệt, trên các tuyến đường hàng không, đối tượng buôn lậu lợi dụng việc chuyển hàng hóa qua đường chuyển phát nhanh, giấu hàng hóa trong hành lý xách tay để vận chuyển hàng lậu có giá trị cao như kim cương, ngà voi…

Ngoài ra, không ít đối tượng lợi dụng việc phân luồng hải quan ưu tiên hoặc những chính sách ưu đãi của Nhà nước để trốn thuế, nhập lậu những mặt hàng cấm nhập khẩu vào nội địa. Tại khu vực biên giới, để vận chuyển hàng lậu, các đối tượng xé lẻ hàng hóa để vận chuyển theo các đường mòn, lối mở, hai bên cánh gà cửa khẩu biên giới, sau đó hợp thức bằng cách quay vòng hồ sơ xuất nhập khẩu, tạo hồ sơ mua bán nội địa…

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo ông Chu Xuân Kiên - Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, trong thời gian tới cần đổi mới phương thức đấu tranh với các hành vi buôn lậu theo hướng gắn trách nhiệm từng đội QLTT với địa bàn được giao; tăng mức tiền xử phạt lên bằng với giá trị hàng hóa mà đối tượng buôn lậu; tịch thu tang vật và phương tiện buôn lậu…, qua đó thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.Nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, các bộ, ngành cũng cần nghiên cứu sửa đổi cơ chế, chính sách quản lý hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Đà Nẵng kiến nghị: Cục QLTT nên thành lập website cung cấp tài liệu và yêu cầu doanh nghiệp cung cấp văn bằng bảo hộ và các dấu hiệu phân biệt hàng thật - giả để lực lượng QLTT có cơ sở đối chiếu kiểm tra. "Thực tế hiện nay, tình trạng dân buôn lậu đặt nước ngoài sản xuất hàng hóa nhái nhãn mác đưa về Việt Nam tiêu thụ khá phổ biến. Như vậy, hàng giả cũng là hàng lậu, nên việc phân biệt rất khó khăn" - ông Dũng cho biết.

Để ngăn chặn tình trạng không ít mặt hàng giá rẻ, chất lượng thấp "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu, trong thời gian tới, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó, địa bàn cần tập trung kiểm tra là các TP, thị xã, vùng ven đô, kho chứa hàng…, bởi đây là nơi phát luồng hàng hóa. "Cục QLTT sẽ xử lý nghiêm cán bộ dung túng, bao che cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại" - ông Hải khẳng định.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT - BTC - BCT - BCA hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường, nhằm hạn chế việc hợp thức hóa hàng nhập lậu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần