Rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong quản lý, sử dụng đất đai

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Một số ý kiến đề nghị trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định tương xứng về quyền, trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai, nhất là khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý, sử dụng đất đai.

Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức.
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức.

Trách nhiệm của Mặt trận nên quy định ở tất cả các chương

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, liên quan vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai quy định tại Điều 20 của Chương II dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam hoan nghênh việc thể chế cơ bản những chủ trương, quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII. Điều đó đã cho thấy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu để thể chế hóa vào dự thảo Luật. Đặc biệt, vấn đề giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã được đưa lên Chương II tại Điều 20 - là điểm mới được bổ sung so với Luật Đất đai hiện hành, liên quan MTTQ Việt Nam, nên đã nhận được rất nhiều góp ý của MTTQ các địa phương, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tầng lớp Nhân dân.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, tất cả các khâu của quản lý Nhà nước về đất đai, từ đánh giá đất, quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) đến thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) đều phải có sự xuất hiện của cơ chế Nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013. Theo đó, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên không nên chỉ quy định vào Điều 20 mà nên quy định trong tất cả các chương. Đồng thời, cần bổ sung quy định cụ thể mang tính bắt buộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai trong thực hiện việc tiếp thu, trả lời những kiến nghị, phản ánh qua quá trình giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp trong thời gian cụ thể.

Để thể chế đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” vào những nội dung cụ thể liên quan quy hoạch, kế hoạch SDĐ, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ TĐC, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kiến nghị, dự thảo Luật cần thể hiện rõ sự tham gia, vào cuộc và trách nhiệm của MTTQ các cấp trong giám sát, phản biện, đại diện và bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhân dân trong các hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với quản lý và sử dụng đất đai, tương xứng với phân cấp nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, đã có 771.072 ý kiến góp ý vào Chương XI của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tập trung vào các vấn đề về bổ sung, hoàn thiện những quy định bảo đảm công khai, minh bạch như công khai giá đất; đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định để đẩy mạnh thương mại hóa quyền SDĐ, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có cơ chế đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.

Mấu chốt là tính giá bồi thường hợp lý 

Liên quan đến nguyên tắc, phương pháp định giá đất quy định tại Điều 153 dự thảo Luật này, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhận định, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã nêu rõ quan điểm định giá đất sát thị trường, là quan điểm đột phá, dù vậy trong dự thảo nên phân biệt giá cả và giá trị, cần định giá đất từng năm để sát giá thị trường, nhưng kỹ thuật cụ thể cần có công tác thẩm định giá. Mấu chốt là tính giá bồi thường hợp lý cho người dân, vì hiện người dân luôn quan tâm giá bồi thường khi có đất bị thu hồi và mong giá bồi thường phải thỏa đáng, sát thực tế. Vấn đề này cần có thí điểm và lộ trình thực hiện, đồng thời Chính phủ cần quy định chi tiết, thậm chí cùng với dự thảo Luật nên soạn thảo ngay dự thảo Nghị định để người dân, DN, nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý không phải chờ đợi quá lâu.

Đáng chú ý, nhiều chuyên gia đánh giá, một điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là quy định về bảng giá đất thay cho khung giá đất, có nhiều ưu điểm, nhưng nếu quy định không rõ ràng thì trong triển khai thực hiện sẽ phát sinh những vướng mắc, bởi để giá đất sát thị trường là vấn đề rất khó. Nhằm khắc phục, dự thảo Luật cần quy định rõ cơ chế và phân định rõ trách nhiệm giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định giá và cơ quan quyết định giá.