Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rối mù chất lượng vàng trang sức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Cơ quan điều tra - Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) xác nhận, đơn vị đã phát hiện manh mối đường dây chuyên bán vàng giả, xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc.

Trước tình trạng này, các DN đều cảnh giác nhưng không phải tiệm vàng, người dân nào cũng dễ dàng phát hiện vàng kém chất lượng.

Làm sao phân biệt được vàng thật - giả?

Ông Dương Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cho biết, nếu vàng 9999 sẽ có tỷ lệ 99,99% là vàng nguyên chất, chỉ chưa đến 0,001% là các yếu tố kim loại khác để đảm bảo các yếu tố vật lý của vàng. Vàng giả ở đây chính là vàng không đủ độ tinh khiết, đủ tuổi, vàng giả chỉ có khoảng 55% là vàng nguyên chất, ngoài ra nó bị các đối tượng pha lẫn hợp kim khác nhau.
Người tiêu dùng mua bán đồ trang sức tại một cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông.  	Ảnh: Trần Việt
Người tiêu dùng mua bán đồ trang sức tại một cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông. Ảnh: Trần Việt
Theo giới kinh doanh, hiện tượng vàng giả trà trộn vào thị trường không mới. “Để đảm bảo chất lượng, các DN kinh doanh vàng lớn đều tự trang bị cho loại máy kiểm định” - ông Trịnh Quang Hiệp - phụ trách công nghệ, trang sức của Công ty TNHH Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu chia sẻ. Tuy nhiên, theo GS Phan Trường Thị - Viện trưởng Viện Đá quý - Vàng và Trang sức Việt, vàng giả hiện được pha với nhiều kim loại khác nhau như đồng, sắt, kẽm… Tinh vi nhất là vàng pha với vonfram - kim loại có khối lượng riêng với tương đương vàng nên rất khó phát hiện. Khi dùng đèn khò đốt nóng, các tinh thể vonfram không bị tan chảy, trong khi đó, vàng đã tan chảy và bọc bên ngoài các tinh thể vonfram. Vì thế, máy đo thông thường vẫn cho ra kết quả vàng 9999 song hàm lượng vàng trong đó rất thấp. Tuy nhiên, khi dùng phương pháp phân kim, tách các phân tử vàng và kim loại ở nhiệt độ cao, sử dụng nhiều hoạt chất hóa học, sẽ tách được các hợp kim lẫn trong vàng, từ đó xác định độ tinh khiết của vàng cũng như vàng thật hay giả. Đây là phương pháp cần tới máy móc hiện đại, chỉ một số ít các cửa hàng, tiệm vàng và DN lớn mới có được.

Chịu thiệt là người tiêu dùng

Một chủ cửa hàng vàng trên phố Cầu Gỗ tiết lộ, nguồn hàng nhập hiện nay từ các thương hiệu lớn như PNJ, SJC, DOJI và các thương hiệu khác. Ngoài ra, vàng trang sức, mỹ nghệ còn được mua lại từ việc trao đổi trong dân và nhập từ nước ngoài theo hình thức “xách tay”... Trong việc này cũng không phải các tiệm vàng chủ ý “lừa” mà do họ mua phải vàng nguyên liệu kém chất lượng từ khách vãng lai mà không biết. Ngoài ra, cũng không loại trừ một số cửa hàng do lợi nhuận nên có thể mua vàng ở những khách không quen biết, chế tác vàng kém chất lượng bán cho khách. Khi cân, nếu khách hàng không để ý tuổi vàng, sẽ bị mua phải vàng giả, vàng kém chất lượng.

Chị Thu Thảo (cán bộ một công ty dịch vụ truyền thông địa chỉ ở Trung Liệt) có chiếc nhẫn vàng 18K đeo đã lâu nên muốn bán để đổi mẫu khác. Nhưng tại tiệm vàng Ngọc Tuấn trên phố Cầu Gỗ, sau khi đánh đá để thử tuổi vàng và cân tỷ trọng, chủ tiệm vàng nói chỉ có thể mua vào với giá 2.500.000 đồng vì vàng xấu. Cũng sản phẩm này, đem đến tiệm vàng Kim Thanh (trên phố Bạch Mai), chủ tiệm vàng này chỉ mua được giá 2.350.000 đồng để "nấu lại”. Vì thấy bị ép giá nên chưa muốn bán ngay, chị Thảo tiếp tục đem chiếc nhẫn đến một tiệm vàng khác trên phố Khâm Thiên thì tuổi vàng được nâng lên 6 tuổi, nhưng giá mua chỉ còn 2.200.000 đồng. “Rốt cuộc, tôi cũng không biết tuổi thật của chiếc nhẫn mình đang đeo là bao nhiêu, trên nhẫn đóng dấu 18K mà khi bán thì mỗi nơi cho ra tuổi vàng khác nhau, giá mua vào của các tiệm cũng chênh lệch đáng kể” - chị Thảo bức xúc.

Hiện nay, công tác quản lý vàng nữ trang cũng hết sức lỏng lẻo. Dù Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN đã có hiệu lực được 2 năm, quy định chặt chẽ về giám định vàng và tuổi vàng nữ trang, song tại nhiều cửa hàng vàng nhỏ lẻ, tình trạng bán vàng nhẫn tròn trơn không thương hiệu, không niêm yết tuổi vàng hoặc gian lận tuổi vàng vẫn diễn ra. Hầu hết các tiệm vàng đều tự gia công, nên tuổi vàng của các sản phẩm là do các chủ tiệm tự đưa ra. Chỉ cần nâng khống độ tuổi vàng lên 0,5%, người tiêu dùng đã bị móc túi vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Trong khi đó, phần lớn người mua vàng trang sức để sử dụng hoặc tặng nhau, thường phải rất lâu sau mới đem bán và không thể thẩm định được chất lượng nên dễ bị gian lận tuổi vàng.q
Hiện chỉ có Ngân hàng Nhà nước cùng Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thành lập ra Công ty Kiểm định vàng bạc đá quý Việt Nam. Nhưng công ty này đang trong quá trình hoàn chỉnh máy móc thiết bị để hoạt động, trong khi các đơn vị kiểm định của Trung tâm Kiểm định 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) chuyên kiểm định vàng thì lại rất ít hoạt động.
Ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam