Rối từ văn bản đến người thực thi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Trong số quyết định hành chính bị khiếu nại, tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và có đúng, có sai chiếm 47,8%, có địa phương tỷ lệ này rất cao, lên tới gần 70%...", đó là vấn đề được các ĐBQH nhấn mạnh rất nhiều lần khi thảo luận về Báo cáo giám sát tối cao của UBTVQH về "kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân đối với

Rối từ văn bản đến người thực thi - Ảnh 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh giải trình trước Quốc hội.Ảnh: Minh Điền

Luật vênh, cán bộ thờ ơ, khiếu nại, tố cáo tăng

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết về KNTC 
 
Sau kỳ họp này, đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết chuyên về giải pháp chung và cụ thể trong giải quyết KNTC. Như vấn đề chuyển đơn lòng vòng, phải đưa ra các quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước; sự phối hợp giữa các cơ quan; trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết KNTC; công tác đào tạo, đãi ngộ cán bộ làm công tác tiếp dân…
Theo Báo cáo giám sát của Quốc hội, từ năm 2003 - 2010, các cơ quan hành chính đã tiếp nhận và xử lý trên 1,2 triệu đơn thư KNTC, lĩnh vực đất đai chiếm 70%. Mặc dù quyết định hành chính về đất đai bị KNTC chiếm khoảng 3% so với tổng số quyết định hành chính được ban hành trong lĩnh vực này, nhưng, trong tổng số quyết định bị KNTC tỷ lệ đúng và có đúng, có sai chiếm 47,8%, cá biệt có địa phương tỷ lệ này rất cao (lên tới gần 70%). Trong số các vụ được đưa ra xét xử tại tòa án, tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần chiếm 19,5%. "Qua đó có thể thấy, việc KNTC của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thay mặt cơ quan giám sát nhận xét.

Bên cạnh đó, sự hiểu biết và ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai và pháp luật về KNTC của một bộ phận người dân cũng còn hạn chế, theo ông Nguyễn Văn Giàu, việc có tới 70% KNTC các quyết định hành chính liên quan đến đất đai bị sai sót có nguyên nhân quan trọng là sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức. Cụ thể, qua công tác thanh tra từ năm 2003 - 2011 đã phát hiện và xử lý trả lại cho công dân 1.850 tỷ đồng, 4.817,8ha đất; khôi phục quyền lợi cho 6.921 công dân; kiến nghị xử lý hành chính 6.650 người; chuyển cơ quan điều tra 380 vụ với 665 đối tượng…

Cán bộ sai, chưa rõ hình thức xử lý

Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu xoáy sâu vào con số thống kê 47,8% người dân KNTC là có cơ sở và cho rằng, việc giải quyết còn nhiều thiếu sót, có thể dẫn tới hậu quả làm suy giảm, mất lòng tin của người dân. ĐB Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị có chế tài xử lý nghiêm khắc những hành vi sách nhiễu người dân; truy cứu trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm.

Cùng chung nỗi lo lắng này, ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) và nhiều ĐB tỏ ra không hài lòng với nhận định chung chung kiểu "một bộ phận không nhỏ" cán bộ có vấn đề về trình độ, phẩm chất, đạo đức và đặt câu hỏi vì sao KNTC chiếm tỷ lệ cao vậy? Và sao quyết định về vấn đề này của chính quyền thiếu sót nhiều vậy? Các cơ quan giám sát đã chỉ ra 380 vụ, 665 đối tượng vi phạm: "Số liệu này cho thấy số lượng cán bộ làm sai nhiều nhưng chưa rõ hình thức xử lý. Trong báo cáo kiến nghị chỉ nói xử lý hành chính, chuyển cơ quan điều tra chứ không nói thẳng đã xử lý chưa, xử lý thế nào". Các ĐB kiến nghị đổi mới cán bộ làm công tác quản lý đất đai với việc gắn trách nhiệm bồi thường vật chất khi ra quyết định sau, gây thiệt hại cho người dân.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, chính trình độ và trách nhiệm của các cán bộ tham mưu ra các quyết định giải quyết KNTC về đất đai ở cấp huyện, mà trực tiếp là phòng tài nguyên môi trường thiếu, mỏng và thiếu chuyên trách dẫn đến chậm và không hiệu quả.

Khắc phục những mâu thuẫn về luật pháp

Theo các ĐB, một nguyên nhân đã làm tình hình KNTC gia tăng là do có quá nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo, bất cập, thiếu đồng bộ làm cho việc thực hiện vô cùng khó khăn. Ngay như quy định về hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất đã dẫn chiếu tới 5 văn bản quy phạm pháp luật khác, trong đó có văn bản đã hết hiệu lực. Khẳng định từ nay đến cuối năm tiếp tục xây dựng dữ liệu để giải quyết 528 vụ tồn đọng và những vụ phát sinh mới rất nhiều, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng: Những vụ việc được giải quyết cần thông tin minh bạch, kịp thời đến người dân. Và các đoàn thể ở địa phương cũng cần nêu cao trách nhiệm của mình trong việc đại diện cho quyền lợi người dân. Đề xuất này được nhiều ĐB đồng tình và cho rằng, đó cũng là một cách để hạn chế KNTC tiếp tục phát sinh do thiếu thông tin.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết KNTC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, UBTVQH đưa ra 9 nhóm kiến nghị, giải pháp; trong đó có việc sửa đổi, bổ sung khung pháp luật; đẩy nhanh cấp sổ đỏ theo bản đồ địa chính có tọa độ, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành… Các ngành, địa phương được yêu cầu chủ động xem xét từng vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, kịp thời giải quyết ngay, hạn chế khiếu nại vượt cấp; tập trung giải quyết 528 vụ việc tồn đọng trong năm 2012...