Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rộn rã khai bút đầu Xuân trên vùng đất trăm nghề Thường Tín

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 13 chữ: “Thường Tín - Văn Minh - Hiện Đại - Bản Sắc - Đạt Chuẩn - Nông thôn mới - Nâng Cao”, huyện Thường Tín đã khai bút đầu Xuân với quyết tâm thành công trong mọi lĩnh vực.

Tại Văn từ Thượng Phúc, thôn Văn Hội, xã Văn Bình, chiều ngày 18/2, huyện Thường Tín tổ chức Lễ khai bút Xuân Giáp Thìn; khai mùa du lịch huyện Thường Tín năm 2024 và sản xuất của các làng nghề truyền thống; gắn biển tên đường mang tên hai danh nhân Dương Chính và Từ Giấy.

Dự lễ khai bút và gắn biển tên 2 tuyến đường có Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức; Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh…


Các đại biểu thực hiện nghi lễ khai bút đầu Xuân năm 2024
Các đại biểu thực hiện nghi lễ khai bút đầu Xuân năm 2024

Niềm tự hào truyền thống hiếu học

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, khai bút đầu Xuân là hoạt động thường niên của UBND huyện Thường Tín nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc; khơi dậy niềm tự hào truyền thống hiếu học, khoa bảng của vùng đất trăm nghề; bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải tham dự lễ gắn biển đường Dương Chính , đường Từ Giấy tại thị trấn Thường Tín
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải tham dự lễ gắn biển đường Dương Chính , đường Từ Giấy tại thị trấn Thường Tín

Thường Tín là vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thồng hiếu học, tôn sư trọng đạo, ý chí vượt khó thành tài, hun đúc, giữ gìn phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học, góp phần làm nên tên tuổi huyện Thường Tín văn hiến, đất khoa bảng, đất danh hương rực rỡ với nhiều người hiền tài, anh hùng, danh nhân văn hóa lưu danh muôn thuở.

Theo cuốn sách “Các nhà khoa bảng, tri thức, nghệ nhân tiêu biểu huyện Thường Tín, giai đoạn 1075 - 2015”, Thường Tín có 68 nhà khoa bảng, đứng đầu danh sách quận, huyện đỗ khoa bảng tại Thủ đô. Trong đó tiêu biểu là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Cùng với đó, Thường Tín còn là mảnh đất “Đất trăm nghề ” vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy. Đến nay huyện Thường Tín có 126 làng có nghề, trong đó có 48 làng nghề được UBND TP công nhận là làng nghề truyền thống, 1 làng nghề Hà Nội.

Các đại biểu tham dự lễ gắn biển đường Dương Chính, chiều 18/2
Các đại biểu tham dự lễ gắn biển đường Dương Chính, chiều 18/2

Thường Tín còn có quần thể di sản văn hoá với 462 di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật dân gian còn được lưu giữ như hát chèo, hát trống quân, các lễ hội truyền thống, như: lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, xã Tự Nhiên; Lễ hội làng Từ Vân, xã Lê Lợi; Lễ hội đình - chùa Mui, xã Tô Hiệu; Lễ hội chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi...

Quần thể di sản văn hoá đã tạo nên nét đẹp văn hoá truyền thống của vùng đất danh hương. Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề - du lịch tâm tinh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Qua đó khẳng định vai trò quan trọng của văn hoá truyền thống trong đời sống đương đại.

Trong những năm qua, huyện Thường Tín lấy ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch hằng năm, trong tiết trời đầu xuân ấm áp tại Văn Từ Thượng Phúc “Lễ khai bút và sản xuất các làng nghề truyền thống, khai mùa du lịch” như là tiếng trống thúc dục cán bộ và Nhân dân đề cao việc học, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

 Huyện Thường Tín gắn biển tên đường mang tên danh nhân Dương Chính
 Huyện Thường Tín gắn biển tên đường mang tên danh nhân Dương Chính
Huyện Thường Tín gắn biển tên đường mang tên danh nhân Từ Giấy.
Huyện Thường Tín gắn biển tên đường mang tên danh nhân Từ Giấy.
 

Danh nhân Dương Chính sinh ra và lớn lên tại huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín (nay là xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín). Ông thi đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Mậu Thìn, niên hiệu Trinh Khánh thứ 3 vua Lý Huệ Tông (1213). Hiện nay, tại Văn chỉ thôn Mễ Sơn, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín và Văn bia tại Văn Từ Thượng Phúc (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) có khắc ghi tên ông trên bia đá, trên đó ghi rõ họ tên Dương Chính, đỗ đạt và làm quan đời vua Lý Huệ Tông. Ông được mệnh danh là người "Khai khoa truyền thế” tức là "Khai khoa truyền lại cho đời sau".

Tên của danh nhân Dương Chính được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Lý Tử Tấn tại Tổ dân phố Nguyễn Du, thị trấn Thường Tín đến ngã ba giao cắt đường QH dự án đường Danh Hương giai đoạn 3. Tuyến đường dài 406m, rộng 9m.

Danh nhân Từ Giấy (1921-2009) quê ở làng Khê Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín. Giáo sư Từ Giấy là nhà khoa học hàng đầu và danh tiếng của ngành Dinh dưỡng Việt Nam, là Viện trưởng sáng lập Viện Dinh dưỡng Quốc gia ngày nay… GS Từ Giấy đã được Tạp chí Những vấn đề dinh dưỡng lâm sàng châu Á - Thái Bình Dương bình chọn là “Nhà dinh dưỡng xuất sắc nhất châu Á” năm 1993; là “Nhà khoa học suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng” do Ủy ban Dinh dưỡng Liên hợp quốc trao tặng, được tôn vinh là 1 trong 20 huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới tại Hội nghị quốc tế về dinh dưỡng năm 2009.

Tên của GS Từ Giấy được đặt cho tuyến đường từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Phi Khanh tại Tổ dân phố Nguyễn Du, thị trấn Thường Tín, cạnh Trường Mầm non Hoa Sen đến ngã ba giao cắt đường bao phía Tây thị trấn Thường Tín, giáp xã Văn Phú, cạnh Trường Cao đẳng Truyền hình. Tuyến đường dài 580m, rộng 5,5-7m.

Nhiều chỉ tiêu vượt cao

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 là 1.756 tỷ đồng, đạt 152%, tăng 58% so với năm 2022. Thu ngân sách địa phương năm 2023 thực hiện 4.255 tỷ đồng, đạt 179%, tăng 32% so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng 26.465 tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm 2022. Tổng giá trị Thương mại Dịch vụ đạt 18.653 tỷ đồng...

Cũng năm 2023, huyện thực hiện 71 dự án chuyển tiếp với kế hoạch vốn giao hơn 926 tỷ đồng; 81 dự án mới do UBND huyện là chủ đầu tư có tổng mức đầu tư hơn 2.756 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao 405,503 tỷ đồng. Công tác xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được quan tâm chỉ đạo, đến nay huyện có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đồng thời, huyện tập trung triển khai GPMB thực hiện các dự án trọng điểm với tổng diện tích khoảng 178,06ha liên quan đến hơn 3.000 hộ dân. Thường trực Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành công tác GPMB Dự án Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện; Đặc biệt là hoàn thành đúng kế hoạch GPMB Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Lãnh đạo huyện Thường Tín trao khen thưởng các cá nhân tiêu biểu
Lãnh đạo huyện Thường Tín trao khen thưởng các cá nhân tiêu biểu

Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 96,8%; 156/162 làng, TDP được công nhận, giữ vững danh hiệu làng văn hóa, đạt 96,3%; 4/4 TDP được công nhận và giữ vững TDP văn hoá. Năm 2023 toàn huyện giảm 146 hộ nghèo, đạt 286% kế hoạch TP giao. Trích quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ 40 hộ xây, sửa chữa nhà ở với kinh phí gần 750 triệu đồng.

“Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục được giữ vững, ổn định. Hoàn thành chỉ tiêu giao quân. Công tác tiếp công dân được duy trì nghiêm túc, bảo đảm không để xảy ra các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài gây ảnh hưởng an ninh trật tự” - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh khẳng định.

Tại buổi lễ, lãnh đạo T.Ư, TP và huyện Thường Tín đã thực hiện nghi lễ khai bút đầu Xuân với 13 chữ: “Thường Tín - Văn Minh - Hiện Đại - Bản Sắc - Đạt Chuẩn - Nông thôn mới - Nâng Cao”, đồng thời gắn biển tên đường danh nhân Dương Chính và đường Từ Giấy tại khu vực thị trấn Thường Tín.

Cũng trong những ngày này huyện tổ chức các trò chơi dân gian, viết thư pháp, trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề…