Uống nước nhớ nguồn
Sáng 30/1 (mùng 6 tháng Giêng), tại huyện Mê Linh diễn ra lễ kỷ niệm 1980 khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Canh Tý 2020. Tới dự lễ kỷ niệm có: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà. Về phía TP Hà Nội, có Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, cùng đại diện các bộ ngành, T.Ư; sở, ban ngành, quận, huyện của Hà Nội và đông đảo du khách thập phương.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh: “Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy chỉ đưa lại nền độc lập cho đất nước trong gần 3 năm, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, lưu mãi sử xanh. Đó là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt của Nhân dân ta chống ách thống trị của ngoại bang, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc. Cuộc khởi nghĩa được Nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, đất nước được giải phóng, Bà Trưng Trắc được tướng sỹ và Nhân dân suy tôn lên ngôi vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại huyện Mê Linh. Sau khi hai Bà mất, tưởng nhớ công ơn của các liệt nữ anh hùng, Nhân dân nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Nhân dân huyện Mê Linh (TP Hà Nội) đã lập đền thờ hai Bà cùng với các tướng sĩ”.
Cũng trong ngày 30/1, tại xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) diễn ra lễ khai hội Cổ Loa, kỷ niệm ngày Thục Phán An Dương Vương xưng vương (vị vua lập nên nước Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam). Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, từ tờ mờ sáng, bát xã (Cả Quậy, Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Cưu) đã tề tựu đông đủ trước cửa Đền Thượng để chuẩn bị rước kiệu rồng, lễ vật vào sân đền để cung tiến, tế lễ đức vua An Dương Vương. Các hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, phù hợp với thuần phong, mỹ tục theo đúng cổ lệ gắn với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa.
Theo Ban Tổ chức, lễ hội nhằm khẳng định công lao và đóng góp to lớn của triều đại An Dương Vương đối với lịch sử, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Từng bước xây dựng Cổ Loa trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn huyện Đông Anh nói chung và Cổ Loa nói riêng.
Đáp ứng nhu cầu Nhân dân
Là lễ hội truyền thống có thời gian dài nhất trong năm (từ mồng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch), lễ hội Chùa Hương hàng năm thu hút hàng vạn du khách. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, từ 9 giờ sáng, ngày 30/1, Lễ hội chùa Hương Xuân Canh Tý 2020 đã khai màn. Phát biểu tại buổi lễ khai hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2020 Nguyễn Văn Hậu khẳng định: Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP và huyện Mỹ Đức, Lễ hội chùa Hương, di tích quốc gia đặc biệt, “nơi đất thiêng, khí thiêng” năm 2020 sẽ thành công tốt đẹp.
Với chủ đề “Lễ hội kỷ cương, văn minh lịch sự”, Ban Tổ chức đã tập huấn Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho Nhân dân, các chủ hàng kinh doanh. Tập huấn Luật Du lịch, Luật Di sản văn hóa. Hướng dẫn cho Nhân dân đảm bảo công tác vệ sinh môi trường; phòng cháy, chữa cháy với phương trâm 4 tại chỗ; giữ gìn không gian lễ hội xanh – sạch – đẹp. Ngoài ra, UBND huyện Mỹ Đức đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng và nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ du khách có mùa lễ hội chùa Hương 2020 an lạc, cát tường… Trước đó, từ đầu tháng Giêng đến nay, lượng khách đến chùa Hương đi lễ, du lịch ngày càng tăng. Riêng ngày mùng 6 lượng khách đến với chùa Hương là 5 vạn người.
Cũng khai hội vào ngày mùng 6 và là lễ hội hàng năm thu hút hàng vạn người tham gia, năm nay, Hội Gióng chuẩn bị 10.000 lộc hoa tre và trầu cau để phát cho khách thập phương. Đúng 7 giờ, nghi thức tế lễ lần lượt diễn ra với 8 lễ vật được dâng là: Hoa tre, ngựa chiến, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, kiệu tướng, kiệu cầu húc. Lễ vật ngà voi của người dân xã Đức Hòa tương truyền xuất phát từ câu chuyện "voi nhớ chủ quay về dẫm nát đồng ruộng, người dân đánh đuổi, bẻ ngà". Về sau biết voi của Thánh về, người dân tạ lễ, hàng năm xin dâng ngà voi cầu Thánh đại xá và ban sức khỏe.
Theo Giám đốc Trung tâm quản lý khu di tích đền Sóc Nguyễn Nam Nho: “Năm nay, Ban tổ chức chuẩn bị 10.000 hoa tre để phát cho mọi người. Đây là năm thứ 5 thực hiện hình thức phát lộc hoa tre để tránh tình trạng tranh cướp gây phản cảm ở lễ hội. Việc phát lộc diễn ra tại hậu cung để đảm bảo linh thiêng, đồng thời tránh tình trạng cây lộc đưa ra ngoài sẽ bị tranh cướp, khó quản lý. Dự kiến năm nay, Hội Gióng sẽ đón khoảng 120 vạn du khách”.
Qua các lễ hội diễn ra đầu năm có thể thấy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Canh Tý 2020 ở Thủ đô đã có sự phối hợp và vào cuộc khẩn trương, đồng bộ, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành nên các lễ hội diễn ra vui tươi, an toàn, văn minh, tiết kiệm; không có các hiện tượng chen lấn, xô đẩy gây phản cảm.