Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rốt ráo chống nóng cho vật nuôi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Miền Bắc đang đón đợt nắng nóng đầu tiên trong mùa Hè năm nay, với nền nhiệt độ dự báo lên tới 39 độ C, kéo dài cả tuần liên tục. Để bảo vệ đàn vật nuôi, giảm thiểu rủi ro, những ngày qua, nông dân Hà Nội đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp chống nóng cho gia súc, gia cầm.

Chuồng nuôi bò tại Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì được trang bị thiết bị làm mát hiện đại. Ảnh: Phương Nga
Rủi ro rất cao
Anh Vũ Kim Tuyền, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì nuôi 80 con bò thịt, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh thường bất an, lo lắng mỗi khi mùa nóng đến. Anh Tuyền cho biết, vào mùa nắng nóng, sức đề kháng của bò giảm, ăn kém, chậm lớn. “Bài học đắt giá của gia đình tôi là mùa Hè năm 2020, do chuồng nuôi không hỗ trợ các thiết bị làm mát, chế độ ăn của bò không phù hợp nên 5 con bò đã chết, thiệt hại hơn 100 triệu đồng” – anh Tuyền chia sẻ. Để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, năm nay, ngay từ đầu mùa nóng, gia đình anh đã đầu tư xây dựng hệ thống làm lạnh trên diện tích chuồng 350m2 cho bò, tổng chi phí hết 70 triệu đồng.

Tương tự, hộ ông Nguyễn Duy Toản, xã Viên An, huyện Ứng Hòa hiện đang nuôi hơn 4 vạn gà đẻ. Bước vào mùa nắng nóng, ông đã kích hoạt chế độ chống nóng đặc biệt cho gà. Ông Toản cho hay, giống gà đẻ rất kỵ trời nóng, lượng trứng cũng giảm khoảng 30%. Nhiệt độ chuồng nuôi lý tưởng phải luôn duy trì ở mức 28 – 30oC. Bên cạnh việc sử dụng quạt thông gió, điều hòa để duy trì nhiệt độ, gia đình ông còn dự trù máy phát điện đề phòng những khi mất điện hoặc sự cố.

Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, mặc dù mới tháng 5 dương lịch nhưng đã xuất hiện nắng nóng, nhiệt độ tăng quá cao, kéo dài liên tục làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe đàn gia súc, gia cầm. Hơn nữa, khí hậu biến đổi phức tạp, ngày nắng nóng chiều tối và đêm lại mưa giông nên vật nuôi suy giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh. Nếu không áp dụng tốt các biện pháp chống nóng cho gia súc, gia cầm thì nguy cơ rủi ro, thiệt hại là rất cao.

Thêm gánh nặng cho người chăn nuôi

Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Yên Hòa Phú Lê Đình Bình chia sẻ, để chủ động chống nóng cho vật nuôi, chi phí chăn nuôi đã đội thêm nhiều lần. Ngoài chi phí mua sắm thiết bị, cải tạo chuồng trại, điện nước, chế độ ăn của vật nuôi cũng cần được bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất cần thiết. Trong khi hiện nay, người nông dân đang phải gồng gánh khó khăn kép từ dịch bệnh, đầu ra sản phẩm, giá cả thị trường, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng.

Theo ông Bình, thời gian vừa qua giá gia cầm có chút khởi sắc trở lại nhưng từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, việc tiêu thụ sản phẩm thịt và trứng gia cầm gặp khó khăn. Trong khi giá cám sau một tháng không tăng thì nay bất ngờ tăng thêm 10.000 đồng/bao 25kg. “Chi phí chăn nuôi tăng cao khiến người dân không thể cầm cự, đành “treo chuồng”. Tổng đàn gà thịt của Hợp tác xã giảm 50% (còn 10 vạn con), lượng gà đẻ trứng giảm 70%” – ông Bình chia sẻ.

Chia sẻ về những khó khăn của ngành chăn nuôi hiện nay, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, đây chỉ là tạm thời, bởi nhu cầu về thực phẩm của người dân không giảm. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp cần phải duy trì sản xuất ổn định để cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng.
Người dân cần chủ động cải tạo, nâng cấp, kiểm tra các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi; tăng cường chế độ dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm; chú ý vệ sinh chuồng trại và xử lý môi trường xung quanh; đảm bảo mật độ nuôi và chế độ vận động, tắm cho gia súc, gia cầm; thực hiện tốt quy định về nhập giống, tăng đàn và vận chuyển vật nuôi trong những ngày nắng, nóng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng