Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rú Lịnh - cánh rừng nguyên sinh giữa đồng bằng Quảng Trị

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa vùng đồng bằng của lúa, của ngô là cánh rừng nguyên sinh mà người dân nơi đây luôn gìn giữ. Không chỉ cung cấp nguồn nước sản xuất mà theo các nhà thực vật, cánh rừng này là một kiểu rừng độc đáo có giá trị về nguồn gen quý trên vùng đất bazan.

Ngôi nhà của các loài gen quý

Cách bờ biển 3km về phía Tây, trên vùng đất bazan giáp ranh giữa xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), tồn tại một cánh rừng nguyên sinh rộng 170ha, trong đó trên 100ha có rừng.

Người dân vùng này vẫn gọi với cái tên thân thuộc: Rú Lịnh. Trong đó, từ “rú” thường nhắc đến nhiều ở khu vực miền Trung, như: Rú cát, rú Tứ Chính, rú ma… chỉ vì một khoảnh rừng nhỏ, cây cối khá rậm rạp để so sánh với những cánh rừng nguyên sinh ở phía Tây.

Giữa vùng đất đỏ bazan là cánh rừng nguyên sinh với trên 100ha cây rừng phủ kín cùng nhiều loài thực vật quý.
Giữa vùng đất đỏ bazan là cánh rừng nguyên sinh với trên 100ha cây rừng phủ kín cùng nhiều loài thực vật quý.

Cái tên rú Lịnh có lẽ bắt nguồn từ loài cây khá hiếm ở những cánh rừng khác nhưng lại mọc dày đặc ở đây: Cây Lịnh nước. Loài cây này có thể bắt gặp bò ở dưới đất, ở trên những thân cây lớn. Dù có đốt, lá như loài tre, giang nhưng chúng lại bò thành từng đám như dây leo.

Điều đặc biệt, trong những đốt thân cây Lịnh luôn đẫm nước. Thuở trước, mỗi lần đi vào rừng nhặt, hái quả, dân làng quanh đây không cần mang theo nước. Bởi, chỉ cần vát một đầu đốt cây Lịnh, những giọt nước chảy ra mát ngọt làm thỏa cơn khát.

Với hình thù giống cây tre, giang, cây Lịnh nước sinh trưởng nhiều ở đây và người dân đã gọi cánh rừng này là rú Lịnh.
Với hình thù giống cây tre, giang, cây Lịnh nước sinh trưởng nhiều ở đây và người dân đã gọi cánh rừng này là rú Lịnh.

Có lẽ từ những nguồn nước được chắt chiu qua thân cây Lịnh rồi xuôi theo những dòng suối trong cánh rừng, thế nên, người dân ở các làng lân cận vẫn thường tự hào vì mạch nước làng luôn trong mát và không bao giờ khô cạn.

Theo những vị cao niên, rú Lịnh trước là nơi cư trú của nhiều loài động vật lớn như hổ, gấu, lợn rừng, mang… với những loài cây đặc thù như Huỷnh, Gụ lớn đến cả chục người ôm không xuể. Theo thời gian, rú Lịnh giờ còn trên 100ha nhưng vẫn giữ được những nét nguyên sinh với sự chung tay bảo vệ của dân làng và chính quyền địa phương.

Cánh rừng còn lưu giữ và cung cấp một lượng lớn nước, điều hòa khí hậu cho những khu vực lân cận.
Cánh rừng còn lưu giữ và cung cấp một lượng lớn nước, điều hòa khí hậu cho những khu vực lân cận.

Chỉ cần đến bìa cánh rừng, luồng không khí mát mẻ đặc trưng của rừng nguyên sinh tỏa ra dù giữa mùa hè nóng bức. Sự trong lành, mát mẻ là điều dễ dàng nhận thấy nơi đây khi thảm thực vật ở rú Lịnh là loại rừng khép, xanh tốt quanh năm với số lượng và chủng loại phong phú. Theo các nhà nghiên cứu, thực vật nơi đây có nguồn gốc chủ yếu từ khu hệ thực vật cổ Á nhiệt đới.

Dù mùa hè hay nắng hạn, rú Lịnh không khi nào khô cạn, cung cấp nguồn nước sản xuất cho nông dân các xã lân cận.
Dù mùa hè hay nắng hạn, rú Lịnh không khi nào khô cạn, cung cấp nguồn nước sản xuất cho nông dân các xã lân cận.

Qua thống kê, rú Lịnh có trên 200 loài thuộc 72 họ, trong đó có nhiều loài thân gỗ hiếm sống lâu năm như Gụ, Huyệnh, dẻ rừng… cùng các loài cây làm thuốc khác như trầm hương, ngũ gia bì. Động vật trong rú Lịnh giờ này không còn nhiều khi xung quanh là khu dân cư, đường giao thông nhưng các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận có đến 73 loài, trong đó có 60 loài chim là 13 loài động vật có vú.

Đặc biệt, cuối năm 2021, các nhà khoa học đã phát hiện loài lan không lá tại khu rừng rú Lịnh có tên khoa học Erythrorchis ochobiensis Garay, thuộc họ Phong Lan (Orchidaceae) mang giá trị lớn về nguồn gen quý. Loài lan này với đặc trưng thân và rễ ngầm, sống hoại sinh, hoa nở thành cụm có màu trắng, nhụy vàng và cực kỳ hiếm gặp ở Việt Nam.

Gìn giữ cho muôn đời sau

May mắn khi phóng viên được ông Nguyễn Đình Trọng (1954, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) – một trong những người 45 năm giữ cánh rừng nguyên sinh rú Lịnh dẫn dạo quanh một vòng rú giữa mùi thơm như lúa nếp của những cây dẻ rừng. Ông thuộc từng gốc cây, nhớ từng lối mòn và kể cả nơi thường lui tới của những con thú trong rừng.

Ông Nguyễn Đình Trọng, người 45 năm giữ rừng rú Lịnh 
Ông Nguyễn Đình Trọng, người 45 năm giữ rừng rú Lịnh 

Bước nhẹ qua đám lá mục, ông chỉ cho phóng viên tránh những mầm non vừa mới bật lên của cây Gụ sau cơn mưa giông. Hay ông chỉ những trái cây chín rụng trên mặt đất, nếm thử vị ngọt và thơm mà loài chồn rất thích ăn, kể cả nơi một số loài thú thường “ghé” qua sau chuyến săn đêm.

Những hạt Gụ nảy mầm dưới tán lá rừng và nhanh chóng sinh trưởng.
Những hạt Gụ nảy mầm dưới tán lá rừng và nhanh chóng sinh trưởng.

Ông kể, trước những năm 1945, rú Lịnh là một vùng rừng thâm u, là nơi cư trú của những loài động vật hoang dã, những cây cổ thụ đến chục người ôm không xuể. Dù trải qua nhiều biến cố, nhưng cánh rừng nơi đây vẫn giữ được những nét nguyên sinh. Nhiều loài cây cổ thụ có tuổi đời 150 - 200 năm vẫn được gìn giữ. Những cây Trầm hương đường kính lớn vẫn nằm sâu trong rừng, thoảng theo làn gió mùi thơm êm dịu.

Những hạt dẻ gai bị lũ sóc ăn và chúng vứt vỏ nằm quanh những gốc cây..
Những hạt dẻ gai bị lũ sóc ăn và chúng vứt vỏ nằm quanh những gốc cây..

“Tròn 45 năm về trước, khi rú Lịnh được giao thuộc quyền quản lý của 2 xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Linh) thì tình trạng phá rừng lấy gỗ, săn bắt thú xảy ra nơi đây bởi chưa có lực lượng giữ rừng. Xót cánh rừng quý đang bị mất dần, lúc đó, tôi tình nguyện xin được giữ rừng rồi được đồng ý, không ngờ gắn bó hơn nửa đời người với cây rừng nơi đây”, ông Trọng cười kể.

Được gìn giữ và bảo vệ, những loài thực vật có nguồn gen quý đang sinh sôi dưới tán rừng.
Được gìn giữ và bảo vệ, những loài thực vật có nguồn gen quý đang sinh sôi dưới tán rừng.

Dù có thời điểm, ông chỉ nhận được số tiền hỗ trợ ít ỏi nhưng công việc của ông như một kiểm lâm viên thực thụ. Từ kiểm đếm cây rừng, động vật, đến tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá rừng đến cả việc ngăn chặn các đối tượng vào rừng chặt cây, bẫy thú. Nhiều trận đòn thù cả về thể xác lẫn phá hoại vật chất nhưng không thể ngăn được bước chân giữ rừng của ông.

Những thân cây từng bị chặt phá đang dần hồi sinh nhờ nỗ lực giữ rừng của chính quyền và cả người dân nơi đây.
Những thân cây từng bị chặt phá đang dần hồi sinh nhờ nỗ lực giữ rừng của chính quyền và cả người dân nơi đây.

Ông Trọng tâm sự: “Mình lớn tuổi rồi nhưng cũng sẽ tham gia giữ rừng đến khi cái chân đi không vững nữa. Cánh rừng giờ đã vươn lên nhiều cây con, thú rừng cũng yên ổn sinh sôi. Mong ước giữ gìn những loài cây quý hiếm cho con,cháu đời sau được nhìn thấy của mình cũng thành hiện thực”.

Giờ này, rú Lịnh đã được quản lý chặt chẽ hơn cũng như có kiểm lâm địa bàn phụ trách bởi nó đã trở thành cánh rừng phòng hộ quan trọng nơi đây. Chị Nguyễn Thị Huyền, kiểm lâm địa bàn (Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Linh) cho biết, rú Lịnh đóng vai trò quan trọng khi cung cấp nguồn nước sản xuất nông nghiệp cho cánh đồng của các xã lân cận như Hiền Thành, Vĩnh Hòa, Vĩnh Tân (cũ), Vĩnh Giang… Rú Lịnh cũng là “lá phổi xanh” của vùng Đông Vĩnh Linh này.

Ông Nguyễn Đình Trọng cùng chị Nguyễn Thị Huyền kiểm tra sự sinh trưởng của một loài cây vừa nảy mầm trên nền rừng.
Ông Nguyễn Đình Trọng cùng chị Nguyễn Thị Huyền kiểm tra sự sinh trưởng của một loài cây vừa nảy mầm trên nền rừng.

Đặc biệt, với việc một lượng lớn cây Gụ, Huỷnh mọc thành quần thể lớn có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu bởi đây là một kiêu rừng độc đáo trên đất bazan ở vùng thấp Việt Nam. Không chỉ thế, với việc bảo vệ tốt các động vật rừng và có phương án chi tiết, rú Lịnh sẽ trở thành điểm đến lý tưởng về du lịch khám phá cực kỳ độc đáo trong chuỗi liên kết các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.