Thursday, 16:50 15/08/2013
Điểm cao trên sàn, rất khó “tấm vé” nguyện vọng 2
Kinhtedothi -
Điểm thi đại học của nhiều trường rất cao, trong khi điểm sàn cơ bản ngang bằng năm 2012 giúp cho các trường dồi dào nguồn tuyển, cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều thí sinh có điểm cao trên sàn, vẫn có nguy cơ trượt đại học nguyện vọng 2.
25 điểm vẫn phải chọn trường tốp dưới
Tại thời điểm này, khi các trường ĐH bắt đầu công bố xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2), nhiều thí sinh bị trượt NV1 có điểm thi cao trên sàn từ 4-5-6 điểm, thậm chí đến hơn 10 điểm như đang ngồi trên “đống lửa” bởi khả năng sẽ tiếp tục… trượt ĐH. Học lực giỏi đều các môn, nhưng Nguyễn Dương (quận Đống Đa, Hà Nội) khiêm tốn nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào Học viện Quân y mặc dù em rất muốn đăng ký ĐH Y Hà Nội. Sau khi kết thúc đợt thi, Dương dự tính được 25,5 điểm và chắc mẩm sẽ đỗ, bởi năm ngoái điểm trúng tuyển ngành này cũng là 25,5. Hy vọng của em đã trở thành thất vọng khi Học viện công bố điểm trúng tuyển khối B đối với nữ miền Bắc là 28 điểm. Đáng buồn hơn, Dương đã không có cơ hội đỗ NV2 ngành y, dược bởi các trường đều lấy đủ chỉ tiêu NV1. Có lẽ, lựa chọn cuối cùng mà Nguyễn Dương không mong muốn đó là phải về trường ĐH y ở khu vực để đăng ký xét tuyển NV2.
Một trường hợp khác là Nguyên Thanh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đăng ký dự thi khối D1 ngành Công nghệ đa phương tiện của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Thanh chỉ đạt 18 điểm, trong khi điểm trúng tuyển ngành này là 23. “Em định đăng ký xét tuyển NV2 Đại học Công đoàn, nhưng trường lại không xét tuyển thêm. Bây giờ em chẳng biết làm sao. Năm ngoái, em đã trượt NV1 và chọn đại một ngành ở trường ngoài công lập. Học được một thời gian học, em không thấy hứng thú nên đã quyết tâm ôn thi ĐH. Chẳng lẽ với tình hình này, em lại thi ĐH lần thứ ba?”
Còn rất rất nhiều thí sinh khác có điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn đang đứng trước nguy cơ bị trượt xét tuyển NV2, bởi điểm trúng tuyển của nhiều trường cao hơn năm ngoái rất nhiều. Hơn nữa, nhiều trường ĐH tốp đầu và tốp giữa không dành chỉ tiêu xét tuyển NV2 như ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, ĐH Hà Nội… Ngay như ĐH Công nghiệp Hà Nội là trường được nhiều thí sinh chờ đợi xét tuyển NV2, thì năm nay cũng không có. Các trường tốp đầu và giữa có xét bổ sung NV2 thì chỉ tiêu rất ít, chủ yếu là những ngành khó tuyển và ưu tiên thí sinh đã đăng ký dự thi vào trường. Vậy là, cánh cửa cho những thí sinh nguyện vọng 2 vốn đã hẹp, nay còn hẹp hơn.
Bình tĩnh xem xét bức tranh toàn cảnh
Năm nay, Hội đồng điểm sàn của Bộ GD&ĐT quyết định cách tính điểm sàn từ tổng điểm bình quân 3 môn/khối thi là để đảm bảo chất lượng và nguồn tuyển dồi dào cho các trường. Tuy nhiên, do số thí sinh dư trên sàn nhiều, thì cơ hội trúng tuyển của các em đạt điểm sàn bị giảm đi rất nhiều. Thậm chí, những em đạt điểm cao hơn sàn nhưng không biết lượng sức mình, nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào những trường có đông thí sinh đăng ký cũng rất dễ trượt.
Các chuyên gia tuyển sinh có nhiều kinh nghiệm cũng không thể đưa ra những lời khuyên chuẩn xác cho thí sinh trong thời điểm này. Thầy Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông dự kiến: “Điểm trúng tuyển NV2 của Học viện có ngành cao hơn rất nhiều so với mức điểm nhận vào, nhưng có ngành chỉ nhỉnh hơn 0,5 điểm. Điểm cao hơn hay ngang bằng mức điểm nhận vào là tùy thuộc số hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh”.
Theo thầy Hữu Lập, các em thí sinh cứ bình tĩnh tham khảo bức tranh toàn cảnh chỉ tiêu xét tuyển NV2 của các trường rồi tìm ra những ngành mình muốn đăng ký xét tuyển. Với việc các em nhận được 3 giấy chứng nhận kết quả thi, các em nên cân nhắc: có thể nộp vào 3 trường với 3 mức điểm xét tuyển khác nhau: Trường các em yêu thích, trường tốp giữa, trường ngoài công lập.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) dự kiến mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 148 chỉ tiêu của trường là 18, nhưng điểm trúng tuyển có thể là 23 hoặc 24 điểm. Nhà trường xét tuyển theo hướng, đến hết ngày đăng ký sẽ tập hợp hồ sơ và lấy điểm từ trên cao xuống đến đủ chỉ tiêu.
Một chuyên gia khác có lời khuyên rằng, khi đã nộp hồ sơ vào trường nào đó rồi, hàng ngày, các thí sinh cần vào website của trường đó để theo dõi cập nhật thông tin hồ sơ nộp vào từng ngành. Nếu thấy khả năng điểm thi của mình khó đỗ, thí sinh có thể rút ra nộp vào trường khác. Thế nhưng, theo như mùa tuyển sinh trước, không phải trường nào cũng cập nhật hồ sơ đăng ký xét tuyển, bởi số hồ sơ nộp vào rất nhiều. Lại có những trường đăng ký xét tuyển NV2 khiến cho thí sinh càng rối bời hơn. Thí sinh Trần Diệu Linh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: “Em dự định nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 vào ngành Kế toán khối D1 ĐH Thăng Long, nhưng khả năng trúng rất mù mờ. Bởi trường chỉ nói mức điểm nhận bằng sàn, nhưng không cho biết chỉ tiêu bao nhiêu”.
![]() Ảnh minh họa. Nguồn internet.
|
Theo cách tính hệ số luân chuyển ứng với tổng điểm bình quân 3 môn/khối thi, xét tổng thể ở 5 khối thi cho thấy, có 238.768 dư trên sàn bị trượt ĐH. Xét ở từng khối thi, khối B có 45.196 chỉ tiêu, trong khi có 140.406 thí sinh đạt điểm trên sàn, đồng nghĩa 95.210 thí sinh dư trên sàn bị trượt ĐH. Tương tự khối A, có 228.725 thí sinh đạt trên sàn, theo chỉ tiêu 151.646, sẽ có 77.079 thí sinh điểm trên sàn bị trượt. Khối D1 có 100.799 thí sinh đạt trên điểm sàn, sẽ có 33.472 thí sinh bị trượt, bởi chỉ tiêu là 67.327. Khối A1, có hệ số dư 1,72 đồng nghĩa với 26.219 thí sinh trên sàn bị trượt ĐH. Khối C, số thí sinh trên điểm sàn dư 6.788 sẽ phải đi tìm cơ hội ở các trường CĐ. |