Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt
Ngày 16/3 (rạng sáng 17/3 theo giờ Việt Nam), trong một động thái được dư luận đồn đoán từ lâu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng hơn 3 năm qua.
Việc FED sẽ thực hiện các đợt tăng lãi suất trong năm 2022 không phải là thông tin bất ngờ, bởi việc này đã được nhiều chuyên gia và các tổ chức kinh tế dự báo từ trước do tình trạng lạm phát gia tăng tại Mỹ thời gian qua. Lạm phát hằng năm được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo "ưa thích" của FED, đạt 6,1% vào tháng 1/2022 - tức gấp ba lần mục tiêu trung bình hằng năm của FED là 2%.
So với mức lạm phát cao kỷ lục tại Mỹ hay các nước thuộc khu vực châu Âu thì lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát ở mức chấp nhận được. Lạm phát tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với lạm phát ở Mỹ, nên việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá hay lãi suất trong nước.
Ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài Chính) phân tích, trên thực tế, việc hoạch định chính sách tiền tệ được dựa trên các cơ sở mang tính ổn định hơn như tình hình tăng trưởng, việc làm và lạm phát. Về tổng thể, do tổng cầu vẫn yếu nên lạm phát tại Việt Nam vẫn ở mức thấp. Nếu đà tăng của giá cả trong một năm qua được giữ vững, chỉ số CPI trong năm nay, tính trung bình, chỉ tăng khoảng 2%.
Theo TS Nguyễn Đức Độ, với tình hình tiêu dùng yếu và lạm phát thấp hiện nay, tôi không thấy có lý do gì để NHNN thắt chặt tiền tệ trong năm 2022. Với mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiền đồng hiện nay so với lạm phát thì người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương, song nhiều khả năng lãi suất tiền gửi VND sẽ nhích lên trong 2022 và lãi suất trên thị trường có thể sẽ tăng nhẹ, khi nhu cầu tín dụng phục hồi nhanh.
“Chúng tôi cho rằng điều này ít có sự liên thông với tác động đến từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed mà chủ yếu là do nhu cầu vốn đầu tư phục vụ cho sản xuất, kinh doanh tăng mạnh sau khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại nền kinh tế”- nhóm chuyên gia nghiên cứu phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC) phân tích.
Về tỷ giá, các chuyên gia cho rằng, tỷ giá năm nay sẽ gặp nhiều áp lực hơn năm ngoái, song vẫn sẽ ở trạng thái tương đối ổn định. Hiện lãi suất huy động vốn bằng ngoại tệ vẫn được ngành ngân hàng khống chế ở mức 0% và dần chuyển dịch từ quan hệ vay - mượn ngoại tệ sang mua bán. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng tương đối lớn, cán cân thanh toán được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại được duy trì và kiều hối liên tục gia tang. Mặc dù 2 tháng đầu năm, cả nước nhập xuất siêu, song dự báo xuất khẩu sẽ hồi phục mạnh và cuối năm nay có thể quay về trạng thái xuất siêu. Nguồn kiều hối ước tính có tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm ở mức 4,4%/năm và đạt 18,9 tỷ USD vào năm 2022…
TS Cấn Văn Lực dự đoán tỷ giá USD/VND có thể sẽ chỉ tăng nhẹ do kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Và nếu có thì cũng chỉ do ảnh hưởng cung - cầu ngoại tệ trong ngắn hạn hơn là tác động dài hạn của việc nâng lãi suất của Fed đối với tỷ giá USD/VND.
Năm 2022, kinh tế thế giới còn nhiều biến động, việc cố gắng duy trì ổn định các yếu tố như tỷ giá, lãi suất và lạm phát sẽ là ưu tiên của các nhà điều hành để đối phó với rủi ro từ bên ngoài. Giới chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 14% trong năm 2022 - tương đồng với mức mục tiêu mà NHNN đặt ra. NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5% - 1% trong 2 năm.
Áp lực trả nợ không lớn
Mặc dù đánh giá lần tăng lãi suất này của Fed không đáng lo ngại, song giới chuyên gia cho rằng, phải cẩn trọng với hành động của Fed từ nay đến cuối năm. Nếu Fed tăng lãi suất nhiều lần với cường độ mạnh, thì chắc chắn, tỷ giá trong nước sẽ khó tránh khỏi tác động tâm lý.Về sự ảnh hưởng đến các nhóm doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất nếu có tác động tăng tỷ giá đồng Việt Nam thì doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải chịu chi phí cao hơn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ dễ xuất khẩu hơn do hàng hóa của họ trở nên rẻ hơn trước đây do chênh lệch tỷ giá, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp vào Mỹ. Đặc biệt, tỷ trọng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khá lớn, đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong 2 tháng đầu năm 2022 với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD.
Một vấn đề được các chuyên gia đề cập là khi FED tăng lãi suất có thể khiến dòng vốn ngoại rút ra khỏi các thị trường nhận đầu tư. Dòng tiền sẽ quay về các thị trường lớn như Mỹ hay EU, nhằm tránh rủi ro, bởi lãi suất đang tăng. Tuy nhiên, với Việt Nam, một trong những yếu tố được kỳ vọng có thể “giữ chân” dòng tiền không rời khỏi thị trường Việt Nam là những dự báo lạc quan về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2022. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 đã đạt 2,58% và dự báo có thể phục hồi lên mức 6,5 - 7% nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, dự báo sẽ chỉ quanh mức 3,4 - 3,7% trong năm 2022. Thực tế, dòng vốn ngoại vẫn duy trì ở mức ổn định trong 2 tháng đầu năm 2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 2 tháng ước tính đạt 2,68 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Một tác động khác đáng chú ý từ việc Fed tăng lãi suất là nghĩa vụ trả nợ bằng USD của các quốc gia sẽ gia tăng. Dù vậy các chuyên gia nhận định đối với Việt Nam, tác động này là có, nhưng cũng ở mức thấp, do mức độ vay nợ nước ngoài có xu hướng giảm. Nợ nước ngoài đang ở mức 38,8% GDP đã điều chỉnh, giảm so với mức 42% GDP bình quân giai đoạn 2010 - 2019.