Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã qua?
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), Fed hôm 3/5 cho biết trong tuyên bố mới nhất rằng, họ đã tăng lãi suất ngắn hạn chuẩn thêm 25 điểm cơ bản. Lần tăng thứ 10 liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái này đã đẩy phạm vi mục tiêu mới lên 5 - 5,25% - mức cao nhất trong 16 năm qua.
Đáng chú ý, thông báo mới nhất của Fed đã loại bỏ một câu trong tuyên bố trước đó từng báo hiệu rằng cơ quan này có thể phải tăng lãi suất "bổ sung" để phù hợp với chính sách tiền tệ chống lạm phát. Thay vào đó, Fed tuần này nói rằng họ sẽ cân nhắc một loạt các yếu tố trong việc "xác định mức độ" lãi suất trong tương lai.
"Đó là một sự thay đổi có ý nghĩa, khi mà chúng tôi không còn nói rằng chúng tôi "dự đoán" (việc tăng lãi suất)" - Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trước báo giới sau cuộc họp chính sách - "Vì vậy, chúng tôi sẽ đánh giá các dữ liệu sắp tới trong các cuộc họp, và đi đến quyết định phù hợp tại cuộc họp chính sách tháng 6".
Theo CME FedWatch, các dự đoán ban đầu của thị trường cho cuộc họp tháng 6 tới cho thấy xác suất gần 92% là Fed sẽ giữ mục tiêu ổn định ở mức 5 - 5,25% như hiện tại.
Ông Powell cho biết, một yếu tố phức tạp trong việc đánh giá đó sẽ là mức độ thắt chặt tín dụng của các ngân hàng và mức độ tác động như thế nào đến một đợt tăng lãi suất khác. "Chúng tôi nắm rõ về chính sách tiền tệ, nhưng việc thắt chặt tín dụng lại là chuyện khác. Việc chuyển dữ liệu đó thành một quyết định điều chỉnh lãi suất là điều chúng tôi không dám chắc" - lãnh đạo Ngân hàng Trung ương của Mỹ nói.
Trong năm qua, Fed đã tích cực tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, vốn đã lên mức kỷ lục 40 năm ở Mỹ vào mùa Hè năm ngoái. Nhưng giờ đây, với khả năng xảy ra suy thoái kinh tế và tình trạng hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng khiến các nhà đầu tư lo lắng, nhiều chuyên gia đồng ý rằng việc tăng lãi suất hơn nữa là bất lợi.
Chủ tịch Fed hôm 3/5 trấn an người Mỹ rằng làn sóng ngân hàng phá sản, làm náo loạn thị trường và nền kinh tế số một thế giới đã đi đến hồi kết. "Có 3 ngân hàng lớn thực sự đã là tâm điểm của tình trạng căng thẳng nghiêm trọng mà chúng ta đã nhận thấy vào đầu tháng 3 năm nay. Hiện tất cả những vấn đề đó đã được giải quyết và tất cả người gửi tiền đã được bảo vệ" - ông Powell cho biết, đề cập đến những thất bại của các ngân hàng Mỹ thời gian qua là Silicon Valley, Signature Bank và First Republic Bank.
Cuối tuần trước, Fed đã công bố báo cáo điều tra nội bộ về sự cố của ngân hàng Silicon Valley - vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử Mỹ, trong đó chỉ trích sự quản lý yếu kém của các giám đốc điều hành ngân hàng cũng như sự thiển cận của các cơ quan quản lý. Do dư âm hỗn loạn của hệ thống ngân hàng, Fed dự đoán rằng tín dụng sẽ tiếp tục thắt chặt đối với các hộ gia đình và DN ở Mỹ, do đó sẽ làm chậm nền kinh tế.
Goldman Sachs ước tính rằng việc giảm cho vay ngân hàng trên diện rộng có thể khiến tăng trưởng của Mỹ sụt giảm 0,4% trong năm nay. Điều đó có thể đủ để gây ra một cuộc suy thoái. Vào tháng 12/2022, Fed đã dự báo mức tăng trưởng của Mỹ chỉ 0,5% vào năm 2023.
"Những điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, việc tuyển dụng và lạm phát. Mức độ của những tác động này hiện vẫn chưa chắc chắn" - ông Powell nói, đồng thời lưu ý về một báo cáo quan trọng của liên bang về các điều kiện cho vay sẽ được công bố vào ngày 8/5 tới.
Lần cuối hay tạm thời?
Nhìn chung, các nhà kinh tế của Fed tin rằng, mặc dù tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng có thể khiến Mỹ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay, khả năng phục hồi liên tục của thị trường lao động đã cho thấy một số hy vọng về việc vẫn có thể đạt được một cú "hạ cánh mềm". "Có khả năng là chúng ta có thể tiếp tục làm dịu thị trường lao động mà không làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp lớn như nhiều giai đoạn trước" - ông Powell tuyên bố hôm 3/5.
"Chúng tôi đã tăng lãi suất thêm 5 điểm phần trăm trong 14 tháng và tỷ lệ thất nghiệp là 3,5% - gần bằng hoặc thậm chí thấp hơn so với khi chúng tôi bắt đầu" - Chủ tịch Fed giải thích, nhấn mạnh rằng cơ hội việc làm vẫn ở mức cao, khi mà Khảo sát Cơ hội việc làm và tỷ lệ luân chuyển lao động tháng 3 cho thấy có 1,6 việc trên mỗi đầu người tìm việc.
Trong khi hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng đợt tăng lãi suất tuần này có thể là lần cuối cùng trong tương lai gần, Phố Wall lại tỏ ra trái chiều về xu hướng lãi suất sau đó. Các nhà đầu tư vốn kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay trong năm nay, nhưng nhiều người tin rằng điều đó vẫn còn quá sớm, bất kể lạm phát ở Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt. FOMC dường như cũng đồng quan điểm này, khi lưu ý trong tuyên bố mới nhất rằng họ vẫn "rất để tâm" đến rủi ro lạm phát.
"Như vậy, có một khả năng là việc tạm dừng (tăng lãi suất) chỉ là tạm thời" - Ryan Sweet, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics - nhận định với Reuters. Trong khi Gargi Chaudhuri, người đứng đầu Chiến lược đầu tư iShares, bình luận trên CNN Money: “Lạm phát đang giảm nhưng không biến mất… Do đó, chúng tôi tin rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian xa hơn".
Chỉ số giá Chi tiêu tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát được quan tâm nhất của Fed - cho thấy giá cả đã tăng 4,2% trong 12 tháng trước tháng 3/2023. Nếu không bao gồm thực phẩm và năng lượng, lạm phát "lõi" hiện ở mức 4,6%. Ông Powell nhấn mạnh con số này "vẫn cao hơn nhiều" so với mục tiêu 2% của Fed. Cùng với đó, ông lưu ý rằng mức tăng lương - hiện vào khoảng 5% - nên ở mức khoảng 3% để phù hợp với lạm phát theo thời gian.
Ngoài ra, Fed cũng đang "đau đầu" với bế tắc xung quanh giới hạn vay của quốc gia - mức trần nợ mà Chính phủ Mỹ có thể phát hành trái phiếu. Các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội đang yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden cắt giảm mạnh chi tiêu để đổi lấy việc đồng ý dỡ bỏ trần nợ. Chủ tịch Powell hôm 3/5 lưu ý việc Mỹ vỡ nợ sẽ là điều chưa từng có tiền lệ, có thể gây ra những hậu quả khó lường, đồng thời nhắc lại cảnh báo trước đó của ông về khả năng cứu nền kinh tế của Fed sẽ bị hạn chế theo.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đưa ra một ước tính rằng quốc gia có thể vỡ nợ ngay sau ngày 1/6 tới, có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tổng thống Biden đã phản ứng bằng cách triệu tập 4 nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội tới Nhà Trắng để họp khẩn vào ngày 9/5, nhưng vẫn chưa rõ liệu ông sẽ mở các cuộc đàm phán về yêu cầu cắt giảm chi tiêu của đảng đối lập, hay tiếp tục kiên quyết tăng trần nợ vô điều kiện.