Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Rừng cổ tích”: Giấc mơ về Bản Đôn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giới mê đọc đang truyền tay nhau tập trường ca “Rừng cổ tích” của Đặng Bá Tiến mà NXB Hội Nhà văn vừa cho “xuất xưởng”.

“Rừng cổ tích”: Giấc mơ về Bản Đôn - Ảnh 1
Phải nói rằng, đây là cuốn thơ chứa đầy nỗi say mê của người viết – cuốn sách mà như tác giả thừa nhận, đã viết “như một hoài niệm, một giấc mơ của riêng mình về vùng đất Bản Đôn thân thương”.

Thật khó hình dung một Tây Nguyên không có rừng. Thế nhưng những năm gần đây, chuyện Tây Nguyên không rừng có nguy cơ thành sự thật. Là một nhà báo (báo Lao Động tại Tây Nguyên) xông xáo, Đặng Bá Tiến đã nhiều lần viết bài, báo động điều này. Nhưng anh còn là một nhà thơ, những bài thơ lẻ viết về đề tài này chưa làm anh thấy “hả hê”, nên đã dồn sức viết trường ca “Rừng cổ tích” mười chương, mà anh gọi là mười khúc.

Ai đó nói rằng trường ca là thể loại để nhà thơ thể hiện “cảm hứng lớn” của mình, để giải tỏa hết những nỗi niềm ẩn chứa. Điều này thật đúng với trường hợp “Rừng cổ tích” của Đặng Bá Tiến. Đọc mười chương của trường ca, người đọc dễ dàng cảm nhận được cảm hứng của người viết, khi yêu thương, lúc căm giận. Nhưng cả hai trạng thái tình cảm trái ngược này đều được “cháy” đến tận cùng cảm xúc, kể cả khát khao muốn cứu rừng.

“Đất gặp gỡ bàn tay xứ Nam xứ Bắc

đất trải lối mòn đi gặp đất

trải con đường vào giữa rừng sâu

bên niềm vui tươi mới ban đầu

anh chợt nhói lòng khi thấy rừng rng lên nghiêng ngả

nghiêng ngả đại ngàn

đảo điên cổ thụ

nhựa cây tuôn trào như máu ứa luênh loang…”

Trong ngập tràn những thái độ yêu ghét, xót xa, căm phẫn… trước đại ngàn, người ta còn “bắt được” trong “Rừng cổ tích” một góc riêng tư cho tình yêu của chàng trai xứ Nghệ với cô gái Ê Đê. Đây chính là cơ hội, cũng chính là “đất” để anh thể hiện sự am hiểu tường tận hai vùng văn hóa nơi đại ngàn. Hóa ra rừng không chỉ cho anh một tình yêu với đất, mà còn ấp ôm trong trái tim anh cả tình yêu đôi lứa trọn đời.

Nhà thơ Vương Trọng nhận xét: “Trường ca “Rừng cổ tích” thấm đẫm chất Tây Nguyên, có bố cục chặt chẽ, diễn đạt với lời thơ đầy cảm hứng. Đọc trường ca này, người đọc không chỉ hiểu thêm, yêu thêm vùng đất Tây Nguyên, mà còn trân trọng ý thức công dân, trách nhiệm công dân của tác giả trước tình trạng Tây Nguyên mất rừng, mất đi cội nguồn sản sinh và chứa đựng văn hóa rừng đặc sắc”. Còn với Đặng Bá Tiến, nỗi niềm khi trường ca cất lời trong bạn đọc thật giản dị: “Nếu những cảm xúc của tôi gợi được một chút tình cảm của bạn, để từ đó chúng ta cùng yêu thêm mảnh đất này và cùng chung tay làm được một việc có ích – dẫu chỉ nhỏ nhoi thôi – nhằm góp phần bảo vệ những gì tốt đẹp hiện còn, cứu vãn được những gì quý giá đã bị đánh rơi/ đánh cắp, thì đấy là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của tôi”.