Rượu bia liên quan tới 1/4 số vụ TNGT nghiêm trọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khương Kim Tạo khẳng định điều này khi trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ về tác hại của việc uống rượu bia mà vẫn tham gia giao thông.

Rượu bia liên quan tới 1/4 số vụ TNGT nghiêm trọng - Ảnh 1
Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của rượu bia trong các vụ TNGT ở Việt Nam?

Ông Khương Kim Tạo: Ảnh hưởng của rượu bia đối với tình hình giao thông nói chung là nghiêm trọng khi có tới 1/4 số vụ TNGT  nghiêm trọng thời gian qua liên quan đến rượu bia.

Hiện ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vào dịp tết, lễ hội, thanh niên uống nhiều rượu rồi chở kẹp hai, kẹp ba, không đội mũ bảo hiểm, đi xe với tốc độ cao là điều dễ thấy. Khi có chất cồn trong người, lại chạy xe với tốc độ cao, khả năng xử lý kém, nếu xảy ra TNGT thường rất nặng nề.

Gần đây nhất là vụ việc một xe ô tô đâm vào nữ sinh trên đường Xã Đàn (Hà Nội) cũng do người điều khiển phương tiện không kiểm soát được phương tiện vì trước đó đã uống rượu bia.

"Đã uống rượu bia thì không lái xe", đó là thông điệp được Ủy ban An toàn giao thông đưa ra cách đây không lâu bởi vì rượu bia làm cho con người ta không kiểm soát được hành vi, phản ứng chậm khi gặp chướng ngại vật, do vậy, hậu quả không lường được.

Thưa ông, tại sao mức xử phạt người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn hiện nay được cho là khá nghiêm khắc nhưng số vụ TNGT có nguyên nhân từ uống rượu bia vẫn cao?

Ông Khương Kim Tạo: Vấn đề mấu chốt là phải giải quyết song song 2 vấn đề: Tuyên truyền giáo dục; cưỡng chế, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm.

Cả hai vấn đề này đều đòi hỏi phải làm thường xuyên liên tục chứ không theo đợt, theo chiến dịch. Thực tế vẫn còn có sự nhân nhượng giữa lực lượng thực thi pháp luật với người vi phạm, chính sự nhân nhượng đã làm người tham gia giao thông nhờn với luật.

Ở nhiều nước trên thế giới, việc bán đồ uống có cồn được quản lý rất chặt chẽ (cả về độ tuổi và số lượng), không phải ai cũng mua được, theo ông chúng ta có nên tính đến giải pháp này không?

Ông Khương Kim Tạo: Đúng là quy định của nhiều nước rất chặt chẽ, không bán rượu cho trẻ em, không bán những chai rượu to, đây cũng là một cách giảm tác động tiêu cực đến xã hội.

Nhưng tôi cho rằng, ở Việt Nam, việc tuyên truyền và kèm theo đó là xử lý thật nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông là biện pháp quan trọng.

Cũng có ý kiến cho rằng cần đánh thuế thật cao với việc kinh doanh rượu bia để hạn chế, nhưng thực tế phần lớn các đối tượng này đâu có uống rượu đánh thuế mà họ uống loại rượu “nút lá chuối”, còn rượu nhập khẩu chỉ dành cho một số đối tượng, cho nên dùng giải pháp đánh thuế đối với rượu cũng chỉ là giải pháp hỗ trợ chứ không phải là mục tiêu chính.

Vậy Ủy ban sẽ có những chương trình hành động nào để giảm thiểu các vụ TNGT có nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen uống rượu bia của người dân, thưa ông?

Ông Khương Kim Tạo: Chắc chắn Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ phối hợp với bộ, ngành thực hiện các chương trình giải quyết những vấn đề liên quan đến sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Thực tế trong năm 2013, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã phối hợp với nhiều cơ quan thực hiện nhiều chiến dịch tuyên truyền về giải quyết xử lý rượu bia, đồng thời phối hợp với nhiều tỉnh làm thí điểm, hỗ trợ cảnh sát giao thông thiết bị để kiểm tra kiểm soát nồng độ cồn của lái xe trong quá trình tham gia giao thông.

Tuy nhiên, để giải quyết một cách đầy đủ, tôi cho rằng cần có sự vào cuộc của nhiều ban ngành cũng như bổ sung văn bản pháp lý liên quan.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai các hoạt động văn hoá giao thông, văn hoá ở đây gồm nhiều thứ trong đó có cả việc đã uống rượu bia thì không lái xe, chúng tôi muốn nét văn hoá này sẽ đến với mọi người. Ở đây văn hoá phải được thể hiện bằng chuẩn mực xã hội, sự đúng đắn về pháp luật cũng là thể hiện ý thức của con người trong các hoạt động cá nhân khi tham gia giao thông.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần