Rút bảo hiểm xã hội một lần, mong Nhà nước có phương án hỗ trợ

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Với hai phương án rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần được Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), các đại biểu, người dân nghiêng về phương án 1 nhưng rất cần có chính sách hỗ trợ để giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đề xuất hai phương án hưởng BHXH một lần

Vấn đề BHXH một lần nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội đề xuất hai phương án về hưởng BHXH một lần. Phương án 1: người lao động chia làm 2 nhóm. Nhóm 1, tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện. Nhóm 2 là những người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Nhiều đại biểu, người lao động nghiêng về phương án 1 rút bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh minh họa: Nguyễn Kim.
Nhiều đại biểu, người lao động nghiêng về phương án 1 rút bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh minh họa: Nguyễn Kim.

Phương án 2: người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Với 2 phương án đề xuất về BHXH một lần, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm. Dù lựa chọn phương án nào thì đều phải có giải pháp để giữ chân người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia BHXH, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Đa số các ý kiến trong Thường trực Ủy ban xã hội ủng hộ phương án 1 của Chính phủ đề xuất, song có đề nghị Chính phủ làm rõ hơn nữa ưu điểm, nhược điểm của từng phương án cũng như có dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và những phát sinh khi Luật có hiệu lực thi hành.

Đối với phương án 1, Chính phủ chọn thì cần xác định rõ hơn về điều kiện hưởng BHXH một lần gắn với nỗ lực tìm kiếm việc làm của người lao động và kết quả giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn, theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

Chính phủ cần sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án tổng thể về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn phát sinh do thất nghiệp, mất việc làm, bệnh tật... thông qua các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ tạo việc làm và các chính sách khác giúp người lao động có thể vượt qua khó khăn.

Ủng hộ phương án 1

Quy định rút BHXH một lần là vấn đề rất lớn, Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định ủng hộ phương án 1 nhưng đề nghị bổ sung làm rõ một số vấn đề liên quan. Đó là khi xem xét các trường hợp rút BHXH, chúng ta cần có quy trình đánh giá thêm việc rút BHXH một lần theo các phương án này đã thực sự đáp ứng được nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động hay chưa. Nếu thấy thực sự không còn con đường nào khác thì sẽ quyết định chuyện cho hay không rút bảo hiểm.

Cán bộ BHXH thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tư vấn cho người lao động về các chính sách BHXH. Ảnh: Trần Oanh. 
Cán bộ BHXH thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tư vấn cho người lao động về các chính sách BHXH. Ảnh: Trần Oanh. 

Đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng mong muốn phải làm thế nào để cho người lao động có thêm cơ hội để cân nhắc việc có rút BHXH một lần hay không. Nếu trong trường hợp bất khả kháng, Nhà nước cũng phải tính toán các phương án hỗ trợ cho người lao động như chính sách hỗ trợ người lao động có thời gian tham gia BHXH.

Chị Phạm Thị Hồng Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) đã tìm hiểu các quyền lợi của BHXH nên khi chấm dứt hợp đồng lao động ở một công ty đã tham gia BHXH tự nguyện, hiện nay đang hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Chị Hồng Hạnh nêu ý kiến: "Tôi mong muốn sau này được hưởng tiền lương hưu, dù ít hay nhiều. Vì khi mình có tiền lương hưu sẽ đảm bảo tương lai cuộc sống khi về già. Tôi đồng ý với phương án 1, không cho người lao động rút BHXH một lần kể từ khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực để sau này mọi người có chế độ hưu trí”.

Nhiều người lao động khác cho rằng, đối với phương án 2, được rút BHXH tối đa 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; khi đóng BHXH mức tiền cao thì còn được một khoản tiền tương đối. Nhưng đa số những công nhân có tiền lương thấp, đóng BHXH mức thấp, khi rút BHXH một lần sẽ không thể giải quyết được những khó khăn trước mắt.

Vì thế, khi nghiêng về phương án 1 hưởng BHXH một lần, trường hợp những người tham gia BHXH từ sau ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực không được rút BHXH một lần, nếu trong tình huống khó khăn thì mong được Nhà nước có chính sách hỗ trợ tốt hơn. Ví dụ như tăng mức tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp để khi người lao động mất việc vẫn có nguồn trợ cấp đủ sống để đi tìm việc làm, sớm quay trở lại thị trường lao động. Người lao động làm việc ở khu vực ngoài Nhà nước cũng rất mong được tăng lương để có mức đóng BHXH cao, sau này hưởng lương hưu đủ để chi trả cuộc sống.