Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP. |
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tân Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP sẽ khiến vị thế về kinh tế và chiến lược của quốc gia này tại các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương dần suy yếu. “Quyết định của ông Trump có thể tạo cơ hội để Trung Quốc mở rộng vị thế tại các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)”, giáo sư Kang Seon-jou thuộc Viện Ngoại vụ và An ninh Quốc gia (Ifans) nhận định.
Theo đó, “động cơ” ban đầu của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama khi để Mỹ tham gia vào TPP là “để khôi phục lại vị thế của nền kinh tế lớn nhất thế giới tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương” đồng thời, đảm báo vai trò lãnh đạo trong các nỗ lực hội nhập khu vực. Mỹ muốn lấy lại tầm ảnh hưởng tại châu Á, sau khi mất thời gian chú tâm vào cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq, cũng như cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 1997.
Để chống lại nỗ lực “tái cân bằng” của Mỹ, Trung Quốc đã đưa ra hiệp định RCEP, hứa hẹn tạo “khối thương mại lớn nhất thế giới”. “Việc Mỹ rút khỏi TPP cũng tạo cho Trung Quốc một lợi thế về chiến lược trong khu vực châu Á…”, giáo sư Kang nói.
Mới đây, truyền thông Thái Lan dẫn lời Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak nói rằng, việc ông Trump tuyên bố rút khỏi TPP sẽ thúc đẩy việc hoàn tất RCEP và Thái Lan ủng hộ việc nhanh chóng hoàn tất đàm phán thỏa thuận này. Ông Somkid cho rằng, việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ giúp RCEP có viễn cảnh tốt đẹp và tất cả các nước trong khu vực hiện đang hướng về RCEP như là một thỏa thuận thương mại đa phương thay thế. Theo ông Somkid, RCEP là một khối thị trường quan trọng của châu Á cũng như thế giới và Thái Lan sẵn sàng ủng hộ việc nhanh chóng hoàn tất đàm phán RCEP để thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Trên toàn cầu, sự rút lui này của Mỹ dự kiến sẽ kích hoạt chế độ bảo hộ thương mại, kéo dài thời gian tăng trưởng chậm và làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ. “Về cơ bản, quyết định của ông Trump theo hướng “Mỹ trước tiên” có thể tương đương với việc phủ nhận trật tự kinh tế tự do mà Mỹ thành lập sau Thế chiến thứ hai và có thể tăng tốc đội xói mòn nền kinh tế”, một số chuyên gia tuyên bố.