Đô thị với nông thôn
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết: Thiết kế lại cấu trúc đô thị tại các khu vực ứ tắc và Mở rộng về mặt diện tích để rút ngắn khoảng cách giữa đô thị - nông thôn, là hai vấn đề có liên quan mật thiết với nhau. Đô thị - Nông thôn có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau và phụ thuộc vào nhau trong quá trình phát triển.
Trong suốt lịch sử phát triển, nông thôn có vai trò quyết định đến sự hình thành và tồn vong của đô thị, đô thị hình thành khi người dân các vùng nông thôn tập trung vào sinh sống để chuyển hóa thành người dân đô thị. Và khi các cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra đã dẫn đến sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, kéo dài cho đến ngày nay.
Ở Việt Nam, đô thị và nông thôn có sự gắn kết, hòa đồng giữa nông thôn và thành thị, trong các thành phố lớn vẫn tồn tại những “làng đô thị hóa” trong khu vực nội đô. Khi lập quy hoạch chung các đô thị từ loại 4 trở lên, đều phải giải quyết đồng thời 2 bài toán: Quy hoạch đô thị và Quy hoạch nông thôn.
Trong quá trình phát triển, các đô thị càng mở rộng về quy mô đất đai và dân số, sẽ ôm trọn các điểm dân cư nông thôn vào trong ranh giới đô thị. Quy hoạch đô thị phải đối mặt với những thách thức về mô hình gắn kết giữa đô thị và nông thôn trong những hình thái phát triển mới của đô thị như siêu đô thị, vùng đô thị, dải đô thị…
Trong khi đó, các đô thị không là một thực thể hoàn chỉnh và khép kín mà hòa nhập, đan xen với làng mạc, ruộng đồng và rừng cây vào dải đô thị. Giao thông phát triển cho phép người dân sống, làm việc ở đô thị về nghỉ ngơi, vui chơi giải trí cuối tuẩn ở vùng nông thôn.
Theo PGS. TS Lương Tú Quyên - Phụ trách Khoa Quy hoạch đô thị và Nông thôn (Đại học Kiến trúc Hà Nội), khi đô thị đang phải đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu, an ninh lượng thực, môi trường sinh thái... thì nông thôn sẽ góp phần giải quyết vấn đề này của đô thị. Vì vậy đô thị - nông thôn cần được nghiên cứu xem xét một cách bình đẳng và thống nhất trong mối liên hệ vùng và liên vùng, từ đó có thể rút ngắn được khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn.
Phát triển đô thị vệ tinh
PGS. TS Lương Tú Quyên cho biết, trong giai đoạn đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay, đô thị hóa là khâu then chốt để phát triển nông thôn, khi đô thị phát triển đất đai vùng nông thôn sẽ được tập trung vào để sản xuất, thông qua việc đẩy mạnh chuyên môn hóa, các sản phẩm nông nghiệp cũng được bảo hộ.
Để rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn ở Việt Nam hiện nay phù hợp nhất đó là phát triển các đô thị vệ tinh. Xây dựng đô thị vệ tinh nghĩa là giảm tải cho thành phố mẹ về dân số, việc làm và dịch vụ, nhưng một số điều kiện phát triển lại phụ thuộc vào thành phố mẹ.
Hà Nội ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính đã tiến hành quy hoạch các đô thị vệ tinh, các đô thị xung quanh Hà Nội được giữ vai trò phát triển độc lập và tương tác chủ động với thành phố mẹ, để có thể liên kết thành các chùm đô thị hỗ trợ lẫn nhau theo mô hình mới. Khi Hà Nội đã phát triển hoàn chỉnh sẽ chọn cho mình các vệ tinh thân cận để hỗ trợ lẫn nhau.
Đối với Thủ đô Hà Nội, để đảm bảo hài hòa trong quá trình phát triển giữa đô thị với nông thôn, ngoài việc xây dựng các TP vệ tinh, cũng có thể xây dựng mô hình “đô thị tuyến tính”. Các trục đô thị nằm song song với các tuyến giao thông, đi vào các vùng nông thôn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, lấy những di tích danh thắng nổi tiếng của khu vực đó trở thành điểm hấp dẫn du khách và người dân khi đặt chân đến “thành phố mới”.
Việc áp dụng mô hình đô thị tuyến tính vào một vùng nông thôn, ngoài mục đích mở rộng, hoặc giải toả một đô thị, còn có một mục đích rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, bằng cách đưa đô thị về nông thôn, mở rộng không gian đô thị, để cho hai môi trường đô thị và nông thôn dễ thâm nhập vào với nhau. Với một mục đích chung, là: hiện đại hoá nông thôn, đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế và của đời sống người dân đô thị và nông thôn.