Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rút ngắn quy trình cấp phép dự án nhà ở thương mại

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia Trần Quốc Việt - Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu rút ngắn quy trình cấp đối với các dự án nhà ở thương mại.

 Chuyên gia Trần Quốc Việt - Hiệp hội BĐS Việt Nam
Các dự án xây dựng nói chung và dự án nhà ở thương mại nói riêng đang chịu chi phối của khoảng 12 luật và gần 20.000 quy chuẩn, tiêu chuẩn. Ông có đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Các DN đang cảm thấy “bội thực” bởi các luật và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến việc xây dựng một dự án. Tất cả các khâu đều phải áp dụng rất nhiều quy trình theo luật, từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác… Đối với một dự án nhà ở thương mại thông thường phải mất từ 5 – 7 năm để thực hiện các quy trình này mới có thể được đưa vào triển khai thực hiện. Điều này làm tăng chi phí đầu tư, khiến giá các sản phẩm BĐS chỉ tăng chứ không giảm. Hậu quả cuối cùng vẫn là những người có nhu cầu mua nhà.
Nhiều địa phương thực hiện quy trình thủ tục cấp phép dự án làm 5 bước. Ông có nhìn nhận thế nào về các bước cấp phép đang được thực hiện?
- Hiện nay, nhiều tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đang thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư gồm 5 bước: Thực hiện thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Thực hiện thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng; Triển khai đầu tư xây dựng. Việc nộp tiền sử dụng đất trước khi làm các thủ tục còn lại, tôi thấy có một bất cập lớn, đó là DN sẽ bị “chôn vốn” trong thời gian khá dài trong khi vẫn phải chịu lãi suất ngân hàng. Đây chính là điểm nghẽn khiến cho giá thành sản phẩm sẽ bị đẩy lên khi DN đưa ra thị trường.
Vậy để giải quyết khó khăn trên cần phải chỉnh sửa quy trình thế nào, thưa ông?
- Theo tôi, nếu vẫn thực hiện quy trình quyết định chủ trương đầu tư với các dự án nhà ở thương mại như hiện nay nên chuyển quy trình nộp tiền sử dụng đất khi đã đầy đủ các hồ sơ và khi nộp tiền sử dụng đất có nghĩa là DN đã được phép để triển khai dự án ngay. Ngoài ra, nên rút ngắn quy trình này xuống còn 4 bước, gồm: Chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư; Lập thủ tục trình duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng dự án; Thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, cấp Giấy phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng; Xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có), cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án.
Xin cảm ơn ông!