Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rút ngắn thời gian học đại học: Cả nhà trường và sinh viên cùng phải thay đổi

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đào tạo đại học (ĐH) trong thời gian 3 năm như Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp Lê Đông Phương cho rằng, các trường cần thiết kế chương trình đào tạo phù hợp và sinh viên (SV) cần làm chủ quá trình học tập.

Thưa ông, dư luận đang băn khoăn Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân quy định thời gian đào tạo ĐH 3 năm thì chất lượng khó đảm bảo?
- Ở Việt Nam, mọi người nhìn nhận chất lượng giáo dục như một sự hoàn hảo, nghĩ rằng SV tốt nghiệp ra trường làm được việc ngay; trong khi các cơ quan, DN lớn trên thế giới tuyển dụng người mới tốt nghiệp bao giờ cũng phải có thời gian tập sự. Cá nhân tôi thấy chất lượng giáo dục của Việt Nam không quá tệ, bởi nhiều SV tốt nghiệp trong nước ra nước ngoài học sau ĐH có kết quả tốt. Nhưng khả năng thích ứng của SV Việt Nam với việc làm trong tương lai đang là điểm yếu nhất. Các em cứ nghĩ học ngành Ngữ văn khi ra trường sẽ chỉ trở thành giáo viên dạy Văn hay làm về lý luận văn học, chứ không nghĩ có thể làm biên tập viên, hướng dẫn viên du lịch và nhiều nghề khác. Vì thế, theo tôi, khả năng thích nghi với công việc, cộng với việc tự học tập để nâng cao kiến thức, đáp ứng yêu cầu công việc luôn thay đổi là điều quan trọng. 
Nhiều trường ĐH đào tạo theo tín chỉ thống kê chỉ 10 - 20% SV tốt nghiệp sớm 0,5 năm. Vì thế giảm học ĐH từ 4 năm xuống còn 3 năm khó thực hiện?
- Hiện nay, hầu hết các trường ĐH Việt Nam đào tạo theo tín chỉ, nhưng thực ra mới dùng tín chỉ để làm đơn vị tính toán khối lượng học tập. Ví dụ, trước đây một năm học mấy môn, bao nhiêu tiết thì quy ra số tín chỉ. Ở châu Âu hay Mỹ, hệ thống đào tạo ĐH theo tín chỉ yêu cầu các môn học trong một nhà trường phải liên thông, kết nối với nhau chặt chẽ. Tức là phải cân đối trong toàn trường, những môn học nào đã có thì không lặp lại, kiến thức đã tồn tại ở môn này thì môn sau không dạy tiếp. Và không bắt buộc SV phải học các môn học của khoa mình nếu như đã học các môn học của khoa khác được nhà trường xác định là tương ứng.
Hiện, chúng ta vẫn có những môn học ở năm học thứ 3, 4 lặp lại kiến thức của năm thứ nhất và 2, nhưng vẫn tính thời lượng dạy. Sự lặp lại này dẫn đến chương trình kéo dài, SV cảm thấy kiến thức bị thừa tạo ra tâm lý chán học, đó là chưa kể lãng phí thời gian, làm loãng tiến độ học tập. Đây là vấn đề kỹ thuật mà các trường ĐH Việt Nam khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn.
Muốn rút thời gian học còn 3 năm, trường ĐH sẽ phải rà soát lại toàn bộ các môn học, chỗ nào không cần thiết thì cắt giảm?
- Thực ra, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân quy định thời gian học ĐH có thể dao động từ 3 - 5 năm, tùy theo từng trường, bởi trong tương lai, sự cạnh tranh trong giáo dục rất khốc liệt. Các trường muốn trụ vững phải tự khẳng định mình bằng cách căn cứ đầu vào tuyển sinh để thiết kế chương trình đáp ứng được yêu cầu của người học cũng như chủ sử dụng lao động. Nếu trường thiết kế chương trình hứa hẹn sau này SV tốt nghiệp dễ xin việc cho dù thời gian học 5 năm, học phí cao thì người ta cũng đăng ký. Thực tế, ĐH FPT có học phí rất cao, nhưng bù lại triển vọng kiếm được việc làm tốt nên hút được rất đông SV. 
Lời khuyên của ông dành cho các trường và SV khi rút ngắn thời gian học ĐH?
- Người học phải làm chủ quá trình học tập của mình, thay vì thụ động. Trước đây và cho đến giờ, đa phần SV nghĩ rằng sang năm tới, học gì nhà trường sẽ quyết định. Bây giờ, ngay từ khi bước chân vào trường ĐH, SV phải thiết kế quá trình học của mình. Chẳng hạn thay vì học 30 tín chỉ/năm, các em có thể đăng ký học gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, nhưng làm sao để không bị trùng lặp thời gian. Cùng với việc tập trung tiếp thu kiến thức trên lớp, người học cần căn cứ vào năng lực của mình để lựa chọn các môn học, học phần chuyên sâu càng sớm càng tốt. Ví dụ, khi các em học ngành Văn học, phải định hướng chọn chuyên ngành Văn học hiện đại, cổ, châu Âu hay châu Mỹ để từ đó chọn ra các môn học phù hợp ngay từ đầu. Kèm theo đó là kỹ năng học tập sao cho thật hiệu quả. Để giải quyết được những vấn đề đó, các cố vấn học tập cần phải hiểu được hệ thống chương trình của nhà trường, tâm lý SV để tư vấn cho từng em một cách chính xác.
   Xin cảm ơn ông!