70 năm giải phóng Thủ đô

Rút ngắn thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 6 năm thi hành, Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, một trong những hạn chế của luật là chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. 

Công dân làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: Văn Trọng

Theo Bộ Tư pháp, thủ tục cấp Phiếu LLTP, phương thức nộp hồ sơ và trả kết quả cấp Phiếu theo quy định của Luật LLTP còn chưa thuận tiện, bất cập trong thực tiễn. Hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP, ngoài Tờ khai còn phải kèm theo bản sao một số giấy tờ như Chứng minh Nhân dân, hộ chiếu, hộ khẩu, giấy xác nhận tạm trú… mà không có quy định ngoại lệ áp dụng cho một số đối tượng như người chưa đủ 14 tuổi hoặc người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam… Những quy định này không chỉ gây khó khăn cho người yêu cầu cấp Phiếu LLTP mà còn gây lúng túng cho cơ quan giải quyết yêu cầu. Cũng theo quy định của Luật LLTP, việc yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân bị giới hạn theo nơi đăng ký thường trú, tạm trú và phải thực hiện trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP. Quy định này làm tăng chi phí và gây những khó khăn nhất định cho người yêu cầu cấp Phiếu LLTP, đặc biệt là những trường hợp đang học tập, lao động, cư trú ở nước ngoài; cư trú ở xa nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Bên cạnh đó, tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP vẫn còn (chiếm khoảng hơn 20%) chủ yếu là đối tượng công dân Việt Nam cư trú tại nhiều tỉnh, TP, cư trú tại nước ngoài, người nước ngoài…
Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp Hà Nội đã cấp hơn 18.300 Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân, trong đó đúng thời hạn đạt 99%.
Do đó, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu LLTP, dự thảo Luật sửa đổi Luật LLTP quy định theo hướng đa dạng các phương thức nộp hồ sơ và cấp Phiếu LLTP. Nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như kết quả thực hiện thí điểm trong thời gian qua, dự thảo Luật bổ sung hình thức Phiếu LLTP dưới dạng văn bản giấy hoặc dữ liệu điện tử và phương thức cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính công ích, trực tuyến; bổ sung quy định về hình thức nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP (trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính công ích, trực tuyến), các hình thức trên TP Hà Nội đã triển khai đạt được kết quả cao.
Dự thảo cũng mở rộng quyền lựa chọn cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP. Luật LLTP quy định công dân Việt Nam nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP tại Sở Tư pháp nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm LLTP quốc gia. Để tạo thuận lợi cho cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu LLTP, đặc biệt là các công dân đi du học, công tác xa nơi đăng ký thường trú, người nước ngoài, dự thảo Luật sửa đổi quy định theo hướng mở rộng quyền lựa chọn cơ quan giải quyết thủ tục cấp Phiếu LLTP cho một số đối tượng như công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở nhiều nơi, đang cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có thể nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi người đó cư trú hoặc cơ quan quản lý LLTP.
Đặc biệt, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn cấp Phiếu LLTP. Luật LLTP quy định thời hạn cấp Phiếu LLTP không quá 10 ngày. Trường hợp công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích, thì thời hạn không quá 15 ngày. Để tạo thuận lợi hơn cho người yêu cầu cấp Phiếu, dự thảo Luật sửa đổi quy định về thời hạn theo hướng giảm xuống là 7 ngày làm việc.