S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá mới nhất vừa được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) công bố, cơ quan này giữ nguyên đánh giá tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB-.

Đánh giá dài hạn "axBB+" và ngắn hạn "axB" của Việt Nam trong ASEAN cũng không đổi. Các yếu tố bên ngoài ổn định, nợ nước ngoài thấp và dự trữ ngoại hối tăng cũng hỗ trợ tín nhiệm quốc gia.

Báo cáo của S&P cho biết, thu nhập trung bình của Việt Nam thấp, khoảng 2.149 USD năm 2014, là yếu tố chính cản trở xếp hạng tín nhiệm. Mức thu nhập thấp đã khiến Việt Nam có độ linh hoạt về chính sách tài khóa và tiền tệ thấp hơn các nước có thu nhập cao. Bên cạnh đó, khả năng đối phó với các cú sốc kinh tế của Việt Nam còn chưa cao, cũng như khó áp dụng các biện pháp mạnh để chống vỡ nợ.

 
S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Ảnh minh họa.
S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, S&P đánh giá tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở mức cao, nhờ lĩnh vực sản xuất để xuất khẩu đang được đa dạng hóa và hướng tới sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, doanh thu từ lĩnh vực sản xuất và dịch vụ ngày càng đóng góp lớn cho GDP và lĩnh vực tư nhân cũng tăng trưởng tốt. S&P dự đoán Việt Nam sẽ đạt thu nhập trung bình trên 3.000 USD vào năm 2017.

Tốc độ tăng trưởng GDP chậm hiện tại phản ánh chính sách nghiêng về bình ổn kinh tế, nhằm có thời gian cải tổ ngân hàng và các công ty nhà nước kém hiệu quả. S&P's dự đoán tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2017 là 5%. Các biện pháp bình ổn đã giúp hạ nhiệt lạm phát và tăng niềm tin vào nội tệ.

Bên cạnh đó, khung chính sách tiền tệ của Việt Nam còn yếu theo chuẩn mực quốc tế. Sự thiếu hụt các công cụ chính sách và nền tài chính kém phát triển đã kìm hãm cơ chế chuyển dịch tiền tệ.

Việc điều chỉnh lãi suất cơ bản cũng có ít hoặc không có tác dụng thực sự, do lãi suất cho vay dựa trên chi phí vốn, mà chi phí này lại được quyết định bởi trần lãi suất huy động. Việc sử dụng trần lãi suất làm công cụ tác động đến thanh khoản và chuyển hướng tín dụng đến các lĩnh vực ưu tiên đã phần nào gây ra những tác động xấu đến thị trường tín dụng.

Tuy nhiên, tín nhiệm của Việt Nam lại được hỗ trợ bởi tỷ lệ nợ nước ngoài khiêm tốn với lãi suất thấp và kỳ hạn dài. S&P dự đoán tổng nợ nước ngoài tại Việt Nam sẽ xuống dưới 30% GDP trong 3 năm tới.

Ngoài ra, theo S&P, Việt Nam sẽ ít phải vay nước ngoài và tiếp tục có thặng dư cán cân thanh toán, nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khoảng 4% GDP và lĩnh vực xuất khẩu năng động. Các thỏa thuận thương mại tự do sắp tới cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu.