Ngay trước khi sắc lệnh di trú mới có hiệu lực (0 giờ 1 phút ngày 16/3, giờ Mỹ), Thẩm phán liên bang Derrick Watson đã đưa ra một lệnh cấm khẩn cấp với sắc lệnh mới, sau khi đại diện bang Hawaii đệ đơn kiện, cho rằng sắc lệnh mới phân biệt đối xử với người Hồi giáo và trái với Hiến pháp Mỹ.
Động thái này là thách thức pháp lý mới nhất với các nỗ lực cấm người di cư cũng như công dân từ 6 nước Hồi giáo nhập cảnh tạm thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã chỉ trích phán quyết, cho rằng phán quyết sẽ làm nước Mỹ “yếu đi”.
Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh di trú mới ngày 6/3. Sắc lệnh mới đã được thay đổi một số điều như: không áp dụng với công dân có thẻ xanh và loại Iraq ra khỏi danh sách cấm.
Việc sửa đổi này được xem như một nỗ lực vượt qua các vấn đề pháp lý đối với sắc lệnh di trú đầu tiên được đưa ra hồi đầu năm sau khi các thẩm phán đã ra phán quyết ngừng thực thi sắc lệnh trên toàn quốc.
Ngay sau khi có phán quyết, ông Trump đã gọi phán quyết này là “sự lạm quyền tư pháp chưa từng có tiền lệ” và cho biết sẽ đi đến cùng với vụ kiện, bao gồm cả việc giải quyết ở Tòa án Tối cao.
Bộ Tư pháp đã gọi phán quyết này là "thiếu sót trong lý luận và trong phạm vi" và cho rằng Tổng thống có quyền lực trong các vấn đề an ninh quốc gia. "Bộ sẽ tiếp tục bảo vệ sắc lệnh hành pháp này tại tòa", đại diện Bộ Tư pháp nói trong một tuyên bố.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết, lệnh cấm là cần thiết để cải thiện việc kiểm soát người nhập cảnh vào Mỹ nhằm ngăn chặn các vụ tấn công.
Sắc lệnh di trú mới được ông Trump ký ban hành cấm các công dân từ 6 quốc gia có dân số Hồi giáo đông như Iran, Libya, Syria, Somalia, Sudan và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày và cấm tất cả người tị nạn vào nước này trong 120 ngày.