Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắc màu Đông phương trong "The Last Airbender"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kết hợp nhiều yếu tố võ thuật và tâm linh huyền bí của người Á Đông, 'The Last Airbender' của đạo diễn 'Giác quan thứ sáu' - M. Night Shyamalan - còn gây sự chú ý bởi một số cảnh quay ngoại trong phim được thực hiện tại Việt Nam.

KTĐT - Kết hợp nhiều yếu tố võ thuật và tâm linh huyền bí của người Á Đông, 'The Last Airbender' của đạo diễn 'Giác quan thứ sáu' - M. Night Shyamalan - còn gây sự chú ý bởi một số cảnh quay ngoại trong phim được thực hiện tại Việt Nam.

Những truyền thuyết tâm linh bí ẩn của phương Đông và các bộ môn võ thuật cổ truyền luôn là đề tài được khán giả phương Tây quan tâm, tìm hiểu. Năm 2005, khi được phát sóng lần đầu tiên trên kênh truyền hình nổi tiếng Nickelodeon, loạt phim hoạt hình Avatar: The Last Airbender của hai đạo diễn Michael Dante DiMartino và Bryan Konietzko tạo nên một cơn sốt lớn trên toàn thế giới và đến nay vẫn đang được trình chiếu trên sóng truyền hình của hơn 120 quốc gia. Đạo diễn người Ấn Độ - M.Night Shyamanlan - cũng là một tín đồ của Avatar: The Last Airbender. Ông đã ấp ủ dự định đưa tác phẩm này lên màn ảnh rộng từ năm 2007. Sau ba năm thực hiện với kinh phí 150 triệu USD, The Last Airbender (Tiết khí sư cuối cùng) đã trở thành một trong những quả bom tấn được mong đợi của mùa hè 2010.

Nội dung của phiên bản điện ảnh vẫn xoay quanh câu chuyện về bốn dân tộc đại diện cho bốn nguyên tố cấu thành nên trái đất: Thủy, Hỏa, Thổ và Khí. The Last Airbender được bắt đầu bằng một lời kể chuyện về lịch sử thế giới. Từ ngày xa xưa, bốn dân tộc chung sống trong hòa bình và được duy trì bởi Avatar - một Thiên Vương có khả năng điều khiển cả bốn yếu tố sức mạnh. Nhưng một ngày, sự biến mất của Avatar đã dẫn tới cuộc chiến khốc liệt kéo dài một thế kỷ. Liệt Hỏa Quốc là dân tộc mạnh nhất và họ đã nhấn chìm cả thế giới trong khói lửa chết chóc. Các dân tộc khác là Thủy Tộc, Thổ Quốc và Khí Du Cư phải chịu sự đàn áp, gục ngã trước sức mạnh và âm mưu thống trị toàn cầu của Liệt Hỏa Quốc.

Một ngày tình cờ khi đang luyện tập kỹ năng, Katara - thủy sư trẻ tuổi của Thủy tộc và anh trai Sokka phát hiện ra cậu bé Aang nằm sâu dưới lớp băng. Sự xuất hiện của Aang đã làm thay đổi mọi cục diện, cậu bé không chỉ là một tiết khí sư cuối cùng mà còn là Thiên Vương - nhân vật duy nhất có khả năng chế ngự được sức mạnh của Liệt Hỏa Quốc và cũng là người được lựa chọn để đem lại hòa bình cho trái đất. Nhưng Aang mới 12 tuổi và cậu cũng chưa thụ giáo được hết các bài học và sức mạnh từ bề trên. Với sự giúp đỡ của hai anh em Sokka và Katara, Aang bắt đầu cuộc hành trình thiết lập lại sự cân bằng cho thế giới trước khi quá muộn.

Đạo diễn M. Night Shyamalan đã đưa vào The Last Airbender rất nhiều màu sắc huyền bí. Khán giả sẽ nhận thấy trong phim sử dụng nhiều trường phái võ thuật khác nhau của người châu Á. Từ Taekwondo cổ truyền của Hàn Quốc cho tới các bài tập Thái Cực Quyền, Hồng Gia Quyền đặc trưng của wushu Trung Quốc và điểm xuyết cả môn võ Judo xuất xứ từ Nhật Bản. Những màn hô phong hoán vũ cũng là điểm nhấn của The Last Airbender. Đạo diễn M. Night Shyamalan đã nhờ cậy tới đội ngũ đặc biệt của Steven Cremin - người từng hợp tác với ông trong Giác quan thứ sáu - để tạo hiệu ứng cho những cảnh quay hành động với bốn nguyên tố: nước, lửa, đất và khí. Do là người Ấn Độ nên M. Night Shyamalan cũng đưa một chút hương sắc của người Hindu vào trong phim. The Last Airbender là sự pha trộn giữa rất nhiều nền văn hóa khác nhau của các nước phương Đông.

Thủ vai Thiên Vương Aang là nam diễn viên nhỏ tuổi Noah Ringer. Chưa từng xuất hiện trước ống kính trước đó, nhưng kinh nghiệm 10 năm tập luyện Taekwondo và ngoại hình phù hợp với nhân vật đã tạo cơ hội cho cậu bé 12 tuổi xuất hiện trong tác phẩm bom tấn này. Tuy nhiên, do chưa từng đóng phim nên lối diễn xuất của Noah chưa đủ sức thuyết phục và chưa để lại được ấn tượng cho người xem. Ngôi sao Triệu phú ổ chuột - Dev Patel đem tới một hình ảnh hoàn toàn mới so với vai diễn Jamal Malik trong bộ phim được 8 giải Oscar 2009. Trong The Last Airbender, Dev hóa thân thành nhân vật phản diện Zuko - vị thái tử của Liệt Hỏa Quốc bị đày ải và tìm mọi cách truy bắt Thiên Vương. Khán giả còn được gặp lại nam diễn viên Jackson Rathbone - ma cà rồng Jasper Hale của loạt phim ăn khách Chạng vạng. Ở bộ phim này, Jackson có nhiều đất diễn hơn với vai Sokka - anh trai của thủy sư Katara.

Đạo diễn M. Night Shyamalan từng gây được tiếng vang tại Hollywood và giành được hai đề cử Oscar với tác phẩm kinh dị Giác quan thứ sáu. Tuy nhiên, những tác phẩm sau đó của ông đều không được đánh giá cao và bị phê bình nặng nề về chất lượng. The Last Airbender cũng bị nghi ngờ về khả năng thành công ngay từ khi mới thực hiện. Kinh phí 150 triệu USD là con số không nhỏ nhưng vị đạo diễn người Ấn Độ đã không biết tận dụng nó để tạo dựng được một tác phẩm ít nhất là làm hài lòng các fan của loạt phim hoạt hình gốc. Phiên bản điện ảnh quá đi sâu vào việc kể lể, diễn giải mà không chú trọng vào việc kể chuyện bằng ngôn ngữ hình ảnh. Tiết tấu phim chậm chạp, không tạo được đỉnh điểm của kịch tính cộng thêm phần thoại yếu đã biến The Last Airbender trở thành một bộ phim chuyển thể không thành công. Sau hơn hai tuần công chiếu, phim chỉ thu về con số khiêm tốn là 118 triệu USD trên toàn thế giới.

Sắc màu Đông phương trong "The Last Airbender" - Ảnh 1
"Triệu phú ổ chuột" Dev Patel trở lại màn ảnh rộng với một vai phản diện. Ảnh: Paramount.

Kỹ xảo của The Last Airbender khá đẹp mắt, nhưng rất khó xem ở định dạng 3D bởi phim được thực hiện ở môi trường 2D rồi sau đó mới được chuyển sang ba chiều trong quá trình dựng. Hiệu ứng 3D của The Last Airbender cũng giống như những tác phẩm 3D "lai" trước đó như Alice in Wonderland hay Clash of The Titans. Bề dày của hình ảnh không có độ sâu, rộng và u tối khiến nhiều khán giả cảm thấy khá nhức mắt khi theo dõi trong suốt 101 phút. Việc chuyển sang định dạng 3D còn khiến màu sắc và ánh sáng trong phim trở nên hơi mờ mịt hơn so với bản 2D.

Mặc dù các tác phẩm của M. Night Shyamalan (trừ Giác quan thứ sáu) đều bị đánh giá thấp, điểm đáng khen là ông luôn giữ được "chất" riêng rất đặc trưng của mình ở mỗi bộ phim. The Last Airbender mang vẻ huyền bí với những tông màu xám, lạnh mang đúng phong cách M. Night Shyamalan. Thế giới tâm linh của người Á Đông cũng là một đề tài mà đạo diễn Ấn Độ quan tâm khai thác trong phim. Đối với những khán giả yêu thích phim hành động giả tưởng và các truyền thuyết phương Đông, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi từng quen thuộc với loạt phim hoạt hình gốc thì The Last Airbender vẫn là một phim đáng xem trong mùa hè này. Một điểm thú vị là ngoài trường quay tại Mỹ và Greenland, đạo diễn M. Night Shyamalan còn thực hiện một số cảnh quay ngoại của bộ phim tại một số vùng rừng núi hùng vĩ ở Việt Nam.

The Last Airbender ra mắt khán giả Việt Nam từ ngày 16/7 dưới cả hai định dạng 2D và 3D.