70 năm giải phóng Thủ đô

Sắc vàng trên phố

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội ngày mà tôi bước đến là một buổi chiều Thu ngợp tiếng ồn của xe cộ và cũng là buổi chiều mà người chiến sĩ áo vàng mang tên Lê Đức Đoàn rời xa công việc gắn bó hơn 40 năm, rời xa người dân cầu Chương Dương với những kỷ niệm khó quên.

Tôi yêu sắc vàng ấy - sắc vàng lấp lánh giữa những con phố ngày đêm tận tình công việc đem lại sự an toàn cho người dân tham gia giao thông, góp phần làm nên bộ mặt mới cho Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Như bao cô cậu sinh viên tỉnh lẻ ra Hà Nội học tập, tôi cũng luôn mang trong mình nỗi lo về việc sử dụng phương tiện nào tham gia giao thông an toàn. Và hơn cả nỗi lo ấy, bố mẹ chúng ta - những người sinh thành ra ta cũng luôn trăn trở về tính mạng của con mình nơi Thủ đô đất chật người đông. Nhưng hôm nay, nỗi lo ấy đã được vơi đi một nửa vì sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội. Hàng triệu sinh viên có thể lưu thông trên đường dễ dàng, an toàn nhờ hệ thống đường bộ, đường hầm…, đặc biệt là tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng xe buýt. Ùn tắc được cải thiện, con số TNGT giảm thiểu đáng kể.
Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại một nút giao trên đường Giải Phóng.  Ảnh: Phạm Hùng
Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại một nút giao trên đường Giải Phóng. Ảnh: Phạm Hùng
Quan trọng là đội ngũ chiến sĩ công an đã nâng một bước về tầm và chất. Vẫn biết còn một phần nhỏ trong lực lượng CSGT chưa làm tròn trách nhiệm của mình, nhưng nụ cười của người chiến sĩ công an Nhân dân Lê Đức Đoàn như ánh nắng vàng chiếu rọi một góc phố Hà Nội. Tôi yêu sắc vàng trên những con phố đó, yêu cả những giọt vàng mang lại sự bình yên cho Nhân dân. Mạng lưới giao thông Hà Nội đang phát triển đồng bộ phục vụ việc đi lại cho người dân, góp phần vào sự đi lên của kinh tế đất nước.

Bộ mặt giao thông đã và đang thay đổi từng ngày theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên, vẫn nổi cộm nhiều vấn đề nhức nhối cần được quan tâm hơn nữa. Trên thực tế, các tuyến đường nội thành dù TNGT hiện có giảm, song con số ấy vẫn ở mức đáng báo động, nạn tắc đường vẫn còn xảy ra như “cơm bữa”. Huy động đông đảo lực lượng CSGT, CSTT, cảnh sát cơ động ứng trực tại các ngã tư trong giờ cao điểm nhưng sức người có hạn, phương tiện đông vượt quá khả năng đáp ứng của tuyến đường, vì vậy vẫn cần không ít thời gian để lưu thông trên đường. Giữa lòng Thủ đô hoa lệ, tình hình giao thông lại là vấn đề bấy lâu nay chưa được giải quyết triệt để. Bởi đây không thể là vấn đề có thể giải quyết nhanh chóng một sớm một chiều được. Sự nhìn nhận đánh giá này đã cho thấy tính chất khó khăn của nó. Ở Hà Nội, các "điểm đen" về UTGT thường tập trung ở các ngã tư vào giờ tan tầm như: Ngã Tư Sở, ngã tư Đại Cồ Việt và các trục đường nhỏ khác như đường Phạm Ngọc Thạch, đường Trường Chinh, Đê La Thành… Có một thực tế mà chúng ra cần dũng cảm nhìn nhận đó là về hệ thống giao thông đường bộ không thể theo nổi những tòa nhà mọc lên như nấm sau mưa. Nhìn tổng thể, cơ sở hạ tầng nước ta còn kém. Ở Hà Nội, diện tích dành cho giao thông chỉ chiếm 4%, để đạt được diện tích bằng 20% như các nước phát triển thì cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Hiện tại, Nhà nước đang mở rộng cơ sở hạ tầng, như đường Vành đai 1, 2, 3, các cầu vượt thép để không còn UTGT. Chúng ta có quyền hy vọng nhưng phải thừa nhận rằng, muốn làm được như vậy phải có sự đầu tư lớn về vốn. Để không còn ách tắc giao thông, tai nạn đòi hỏi phải có sự quan tâm đúng mức của Nhà nước với nhiều chính sách đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.

Tình hình giao thông đường bộ ở Hà Nội khiến mỗi chúng ta đau đáu một câu hỏi rằng: Nguyên nhân của tình trạng này do đâu? Hãy đi thật chậm qua vài con phố, một số tuyến đường, tôi tin rằng ai cũng sớm biết câu trả lời cho những dấu hỏi lớn. Câu trả lời của tôi tìm thấy là: Lượng phương tiện lưu thông trong giờ cao điểm lớn, chưa đầu tư đúng vào cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển. Đặc biệt, ý thức của người khi tham gia giao thông chính là nguyên nhân căn bản dẫn đến ùn tắc hay những vụ tai nạn thảm khốc. Thật không còn xa lạ với những hình ảnh người dân thấy đèn đỏ vẫn ngang nhiên vượt qua, lạng lách lấn chiếm làn đường và đội mũ bảo hiểm chỉ mang tính đối phó. Những hình ảnh trên là một thực tế đã, đang và vẫn tiếp diễn trong lòng Thủ đô yêu dấu. Nó ám ảnh mối nguy hiểm, rình rập đến tính mạng của mỗi người.

Vậy, đã bao giờ bạn lắng mình để đặt ra cho bản thân, cho những người thân mình một hướng giải quyết? Theo cá nhân tôi, biện pháp chủ quan nằm chính cá nhân mỗi người tham gia giao thông. Chính chúng ta cầm trong tay chiếc vé sự sống của bản thân, vì vậy hãy ý thức trách nhiệm với số mệnh của mình khi lưu thông trên đường. Đừng vì nhanh một phút mà chậm cả đời. Mỗi cá nhân có ý thức kỷ luật sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng an toàn. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần vào cuộc giải quyết triệt để hơn vấn đề này.

Với tư cách là một công dân Việt Nam, chúng ta có quyền hy vọng và được hưởng những quyền tất yếu thuộc về mình đi đứng thuận lợi, an toàn để hướng tới một chỉ số chất lượng cuộc sống đạt chuẩn khu vực và quốc tế.