Vì sao sách tăng giá?
Theo công bố của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giá sách giáo khoa (SGK) mới lớp 3, 7, 10 ở hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" áp dụng từ năm học 2022-2023 cao gấp 2-3 SGK hiện hành.
So với bộ SGK lớp 3 hiện tại (giá 58.000 đồng) thì bộ SGK mới chưa bao gồm sách Tiếng Anh đã cao hơn 3 lần (giá từ 177.000 đến 183.000 đồng).
Bộ SGK mới lớp 7 chưa có sách tiếng Anh (giá 208.000- 209.000 đồng) cũng cao hơn 2 lần bộ SGK hiện tại đang sử dụng (giá 134.000 đồng).
Bộ sách lớp 10 cũ là 164.000 đồng, còn giá bộ SGK mới lớp 10 từ 246.000 đến 301.000 đồng (tuỳ thuộc tổ hợp môn học). Mức này bao gồm tổng giá bìa của 5 trong số 7 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp), 5 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá sách tăng là do ở chương trình mới, số cuốn trong mỗi bộ nhiều hơn: Với lớp 3, bộ cũ chỉ gồm 6 cuốn thì bộ mới 12 cuốn (chưa kể sách tiếng Anh), lớp 7 tăng từ 12 lên 13 cuốn/bộ.
Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, SGK mới được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, tăng cường kênh hình với nhiều hình thức trình bày minh họa sinh động, hấp dẫn, khổ 19 x 26,5 cm. Nhà xuất bản này khẳng định, giá SGK trên thấp hơn trung bình 20% so với giá SGK của các nhà xuất bản khác. Mức giá này đã được kê khai với Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính theo đúng quy định.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, nhà xuất bản đã tiết giảm tối đa chi phí đầu vào để có giá bán sách phù hợp với mức chi phí của đại đa số gia đình có con em đi học. Với các gia đình chính sách, nơi có hoàn cảnh khó khăn, Nhà xuất bản sẽ tiếp tục thực hiện các công tác xã hội như tặng sách, xây dựng tủ sách dùng chung, phát động phong trào quyên góp, khuyến khích học sinh giữ gìn, bảo quản và sử dụng lại SGK.
Phụ huynh tâm tư
Sau dịch bệnh Covid- 19, việc làm gặp nhiều khó khăn, bất ổn lại đứng trước cơn bão tăng giá của một số mặt hàng khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng nặng nề. Nghe thông tin SGK tăng giá cao, nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh vùng nông thôn và lao động tự do thành thị cho biết, đến sách còn tăng cao như vậy, thì trách gì các sản phẩm thương mại khác không tăng cao. “Nói giá xăng, giá vàng tăng thì thấy không lạ mà nói giá sách tăng, không những vậy lại tăng gấp đôi, gấp ba, tôi thấy rất lo ngại. Nhà tôi có 2 đứa năm tới lên lớp 3 và lớp 7- đều học chương trình mới; do đó lo mua sách cho con cũng không đơn giản vì ngoài sách cơ bản còn có nhiều sách nâng cao, bổ trợ khác”- chị Bùi Thị Nga, quận Hoàng Mai cho biết.
Chưa hết năm học cũ nhưng chị Nguyễn Khánh Hà, huyện Ba Vì cũng tính dần các khoản như mua SGK, đóng học cho con ngay từ bây giờ. Năm trước con lên lớp 2, chị đã phải mua sách mới toàn bộ, sang năm lên lớp 3 cũng vậy, không mượn hay xin sách cũ để dùng lại được. Thậm chí, chị Hà tính đi phô tô sách cho con để đỡ tốn kém. Chị Hà tâm sự: “Hai vợ chồng tôi làm công nhân, đơn hàng công ty dạo này ít nên không tăng ca được. Tôi nhớ đầu năm học 2021- 2022, khi trả tiền sách cho con mà ngẩn người vì nhiều quá, tốn kém quá, mà năm nay lại còn tăng hơn nên tôi lo từ bây giờ”.
Xác định dù khó khăn đến mấy, mỗi bố mẹ đều cố gắng mua cho con đủ bộ SGK để đảm bảo việc học nhưng rõ ràng giá sách tăng cao trong bối cảnh thu nhập của đa số người dân bị sụt giảm như hiện nay là chuyện đáng suy ngẫm. Góp ý về vấn đề giá sách, chị Phan Lệ Giang, quận Thanh Xuân bày tỏ: “Dù hình ảnh hay chất lượng sách có bắt mắt, nội dung phong phú, đổi mới… nhưng việc tăng giá sách cao gấp 2-3 lần sách hiện hành là chưa thực sự hợp lý và tạo gánh nặng cho phụ huynh. Theo tôi, ngoài các chương trình hỗ trợ sách đối với học sinh diện nghèo thì cần cơ chế trợ giá chung cho học sinh, nhất là vùng nông thôn để đảm bảo các em có đầy đủ SGK phục vụ việc học”.