Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sách trong tuần] Chuyện về tầng lớp dưới cùng

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được chuyển thể từ bộ phim cùng tên của đạo diễn Hirokazu Kore-eda, tiểu thuyết "Gia đình trộm cắp" thuộc thể loại tâm lý xã hội đã làm xúc động hàng triệu trái tim trên thế giới vừa chính thức được phát hành tại Việt Nam.

Cuốn tiểu thuyết kể câu chuyện về những con người thuộc tầng lớp dưới cùng của xã hội Nhật Bản - như là một hệ quả và mặt tối của nền văn minh - dựa trên những câu chuyện có thực từng xảy ra ở TP Osaka.
Các nhân vật trong “Gia đình trộm cắp” là những con người bị bỏ rơi theo nghĩa đen của từ này, làm những nghề mạt hạng để lần hồi sống. Nhân vật chính Osamu làm việc tại một công trường xây dựng nhưng thường xuyên “kiếm thêm” bằng cách bán lại những món đồ mà anh ta ăn cắp được từ các cửa hàng và siêu thị.
Osamu còn dạy Shota, cậu bé mà anh ta cưu mang, rằng: “Những thứ trong cửa hàng đều chưa thuộc về ai cả”, vì vậy họ có quyền lấy chúng. Vợ của Osamu tên là Noboyu làm công việc dọn dẹp trong khách sạn và cũng ăn cắp những món đồ khi có cơ hội. Một cô gái trẻ tên Aki cũng góp gạo thổi cơm chung với họ trong gia đình “rổ rá cạp lại”, kiếm tiền bằng cách làm việc cho một cửa hàng cung cấp dịch vụ khiêu dâm.
Hatsue là người bà trong gia đình, hỗ trợ chi tiêu trong nhà bằng tiền lương hưu của mình và thi thoảng kiếm chác thêm bằng cách tế nhị vòi tiền những đứa con của vợ hai của người chồng quá cố.
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu với sự việc vào một đêm mùa đông lạnh giá, Osamu và cậu bé Shota về nhà sau một phi vụ ăn cắp thành công thì tình cờ gặp một bé gái bốn tuổi đang sắp chết cóng trên ban công. Anh ta quyết định mang cô bé về nhà mình mà không suy nghĩ quá nhiều về những hệ lụy.
Gia đình được tạo nên từ những “phế phẩm” về mặt xã hội tưởng chừng như thiếu nền tảng, những điều kiện “cần” và “đủ” của một gia đình đúng nghĩa đó lại chính là nơi chúng ta có thể tìm thấy những đốm sáng của tình người và hạnh phúc.
Cuộc sống tạm bợ trong căn nhà cũ kỹ chật chội đôi khi xuất hiện những tiếng cười, những mộng mơ, những vụn mảnh của hạnh phúc, những “dấu hiệu nhận biết” của một gia đình, dù chỉ là gia đình “chắp vá”… “Gia đình trộm cắp” do Nhà xuất bản Phụ nữ chịu trách nhiệm biên dịch và xuất bản.