Để có một cái nhìn toàn cảnh về chiến tranh trong dòng chảy lịch sử của nhân loại, chúng ta hãy tìm đến cuốn sách “Lịch sử chiến tranh” của tác giả người Anh, John Keegan.
Chiến tranh bắt đầu từ khi hình thành các hình thái xã hội. Trong các di chỉ khảo cổ liên quan đến thời đại sơ sử, người ta đã tìm thấy dấu vết của việc con người bị giết bởi thương, giáo hay những vũ khí bằng đá sắc nhọn. Thế giới ngày càng phát triển, chiến tranh ngày càng tàn khốc hơn. Hai quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và Nagasaki, cùng những hậu quả âm ỉ mà chúng để lại sau gần tám thập kỷ là minh chứng rõ nhất cho điều đó.
Nhưng chiến tranh dường như đã trở thành “người anh em song sinh” với sự phát triển của xã hội loài người. Theo tác giả John Keegan, chiến trường là nền móng cho sự hình thành của các triều đại. Những vị vua giành được giang sơn mà không cần đến gươm giáo, hay thuốc súng quả thực vô cùng hiếm hoi.
Hàng ngàn năm qua, có một triết lý về quân sự không bao giờ thay đổi, đó là: Trong chiến tranh, tấn công và phòng thủ phải sóng đôi với nhau. Đôi khi, chỉ cần phòng thủ tốt, chúng ta sẽ ngăn chặn được những cuộc chiến đang manh nha trong đầu kẻ thù. Bởi thế, có hàng ngàn công trình kiến trúc nổi tiếng phục vụ cho mục tiêu phòng thủ của các quốc gia. Tiêu biểu nhất, phải kể đến Vạn Lý Trường Thành của người Trung Quốc.
Chiến tranh và lịch sử vốn là những vấn đề dễ gây nhàm chán. Thế nhưng, nếu đã cầm trên tay cuốn sách Lịch sử chiến tranh của John Keegan, độc giả sẽ có một cái nhìn khác. Ông không “đối thoại” với lịch sử quân sự bằng phương pháp liệt kê, để bày ra trước mắt người đọc một hệ thống ngày tháng và sự kiện rối rắm, phức tạp và khô khan.
Tác giả đặt chiến tranh trong chiều dọc của lịch sử và mối tương quan với sự phát triển của toàn xã hội. Ngoài nghiên cứu về lịch sử quân sự John Keegan còn là một nhà văn, thế nên ông đã đặt chiến tranh trong hệ quy chiếu của văn hóa, xã hội.
Trong cuốn “Lịch sử chiến tranh”, tác giả John Keegan đã nhiều lần nhắc đến các tác phẩm nổi tiếng của Lev Tolstoy như: “Chiến tranh và hòa bình” hay “Anna Karenina”. Không chỉ dừng lại ở đó, những vần thơ của Bayron cũng xuất hiện trong tác phẩm này như một cách thi vị và đầy chua xót mà người nghệ sĩ dùng để nói về sự tàn khốc của chiến tranh.