[Sách trong tuần] “Lữ khách và cõi trăng”

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Lữ khách và cõi trăng” của nhà văn Antal Szerb tái hiện hành trình kiếm tìm ý nghĩa của một chàng trai trẻ trong và sau kỳ trăng mật những tưởng chỉ có hoa hồng và những nụ hôn.

Năm 1936, nhà văn người Hungary Antal Szerb đã có một chuyến đi bằng tàu hỏa đến nơi được ưu ái gọi là “trung tâm thế giới” về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của nước Italy. Chuyến du thám đến vùng đất thần kỳ này là một trải nghiệm tuyệt đẹp và cũng là chuyến đi cuối cùng ra nước ngoài của Szerb.
Khi quay trở về Budapest, ông ngồi xuống và viết tiểu thuyết kiệt tác “Lữ khách và cõi trăng”. Nhân vật chính của tiểu thuyết là anh chàng Mihály, một trí thức người Hungary làm việc cho công ty gia đình ở Budapest, một người đàn ông được bao bọc an toàn trong thế giới của lợi nhuận rót đều hàng năm, của quần vợt và những buổi chiều dã ngoại trên sông Danube.
Mihály tới Italy để tận hưởng tuần trăng mật với vợ mới cưới của mình, nàng Erzi xinh đẹp. Cuộc hôn nhân này, thực ra, là một sự gắn kết mang tính “giải pháp” cho tình thế của Mihály, cũng là một nỗ lực dấn bước sâu hơn nữa vào tầng lớp trung lưu, cải thiện mình trên thang tầng của xã hội. Đôi vợ chồng trẻ mới cưới đi du lịch đến tất cả những nơi mà tác giả Szerb đã đến: Venice, Ravenna, San Marino, Guiddo, Verona nhưng đó không phải là trải nghiệm yên bình và viên mãn. Italy lại khiến Mihály cuồng quay và bị thôi thúc bất phục tùng, đi theo tiếng gọi của những nỗi niềm sâu thẳm. Hóa ra, Mihály luôn bị ám ảnh bởi những người bạn cũ từ thời thiếu niên đầy nhiệt thành, phiêu lưu và sôi nổi: Anh em Tamas và Éva, Ervin và Janos. Đó là thời anh được thực sự sống, chứ không phải hiện tại đầy hứa hẹn của cuộc hôn nhân “môn đăng hậu đối”.
“Lữ khách và cõi trăng” thường được xem là một cuốn sách về cảm thức hoài cổ, về nỗi nhớ sâu sắc một cố quận của linh hồn, về một thiên đường đã mất giữa rối loạn của xã hội đương thời. Chính tác giả Szerb đã khẳng định điều này trong một lá thư ông viết năm 1937: “Cuốn sách là một nỗi hoài nhớ tuổi thơ đã mất, hoài nhớ châu Âu đã mất trước thời của Mussolini và Hitler”.