Qua mỗi trang sách, tác giả dẫn dắt người đọc trải nghiệm đủ điều lý thú của phố phường Hà Nội với những con phố thân thuộc như Hàng Đào, Hàng Ngang… rồi đến cả những món ngon truyền thống vẫn còn giữ nguyên vẹn hương vị trong tâm trí người thưởng thức như bánh rán, bún ốc, bún cá, phở bò...
Không cầu kỳ trong câu chữ, Uông Triều kể chuyện về Hà Nội sâu lắng và thơ mộng một cách rất chân thành và giản dị. Ấy là “Người đàn bà trung niên quê Nam Định bán hàng miến trộn, bún riêu” trên phố Phan Đình Phùng, là “một ông cụ râu tóc bạc phơ, giữa mùa Đông mà vẫn đánh trần, quần đùi áo cộc gánh nước tưới rau” ở phía sau chùa Láng... Những thu nhận ít nhiều sâu lắng đó đã khéo léo đẩy đưa cảm xúc, làm cho người đọc khó lòng dừng bước nếu chưa đi đến trang cuối của cuốn sách.
Đọc những tản văn của Uông Triều viết về Hà Nội, độc giả cảm nhận được tình yêu chân thực của một người tỉnh lẻ, quan sát Hà Nội những nét đẹp giản dị của Hà Nội như thể lần đầu đặt chân đến Thủ đô. Anh viết nhưng câu chuyện với cảm xúc hứng thú, say mê mãnh liệt.
Ở đó, mỗi ngõ phố, đồ ăn thức uống, một sớm mai yên bình, một ngã tư ồn ã tiếng kẹt xe… đều hiện lên với những rung động chạm tới trái tim độc giả. Những ngôi trường luống tuổi, những hàng cây, công viên, nhà tù, quảng trường, khu chợ… của Hà Nội cũng được tái hiện một cách mạch lạc và chứa đựng nét đẹp riêng.
Kể đến thú vui thưởng thức cà phê của người Hà Nội, trong cuốn sách có viết: “Nơi thì phin cà phê tí tách dành cho người ưa chậm rãi, cầu kỳ. Khi là một ly cà phê pha sẵn, nóng hoặc đá theo mùa và có những quán cà phê danh tiếng bởi sở hữu một đặc điểm nào đó… Qua bốn mùa, cà phê đã trở thành cái thú của bao hồn mê nơi Kẻ Chợ. Ngồi quán ngắm phố như ngồi vũ đài ngắm đời qua vai, nhấp một ngụm đắng, chuyện với bạn hữu hoặc một mình, ngày nắng hay phố mưa, Thu se hay Đông rét, nhâm nhi như thưởng thức một đặc sản cuộc đời”. Cuốn sách có lẽ sẽ cho những độc giả yêu Hà Thành một góc nhìn rất khác về Hà Nội đã trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi.