[Sách trong tuần] “Rừng đêm” - dư âm về tuổi thơ khốn khó

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Rừng đêm” là cuốn tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Quỳnh, đã từng nhận được Giải B văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm đã xây dựng thành công hình ảnh đẹp đẽ về tình bạn đặc biệt thời tuổi thơ khốn khó.

Bối cảnh câu chuyện diễn ra ở một làng quê miền trung du, bao quanh là rừng. Những người dân ở đây dựa vào rừng mà sống, đồng thời cũng phải đấu tranh với những hiểm nguy từ rừng. Ở ngôi làng đó, những chuyện về Lý trưởng tham lam, độc ác; chuyện đám trẻ con tinh nghịch, liều lĩnh dám trêu chọc tên Lý Chuột thâm độc; những câu chuyện rừng thiêng nước độc pha chút huyễn hoặc, những câu chuyện đêm trước cách mạng… được khắc họa rõ nét, hấp dẫn, đẹp đẽ.
 
Nguyễn Quỳnh viết “Rừng đêm” cho thiếu nhi, bối cảnh câu chuyện cách đây gần 80 năm đã để lại rất nhiều dư âm cho độc giả hôm nay. Những đứa trẻ trong “Rừng đêm” của thuở ấy hàng ngày phải chống chọi với nghèo đói, áp bức, bom đạn, không có nhiều nét hồn nhiên, vô tư nhưng lại luôn mang trong mình những tình cảm chân thành, ấm áp, những tình cảm có thể cảm động được những loài vật như trâu rừng hay Tà Ri. Những đứa trẻ thuở ấy không có “thú cưng”, nhưng chúng tạo dựng nên mối quan hệ sâu sắc đối với những con trâu, con vật thân cận, hữu ích nhất của nhà nông. Dưới con mắt của Cảnh, trâu không chỉ là con vật để kéo cày, kéo gỗ..., chúng là những người bạn, chúng có xúc cảm để thấu hiểu.

Dưới những trang viết tinh tế, tình cảm của Nguyễn Quỳnh, trâu Min hay trâu Rừng, đều hiện lên sống động, với những tình cảm liên kết chặt chẽ với con người, biểu đạt đầy đủ xúc cảm và thấu hiểu. “Rừng đêm” hôm nay vẫn là cuốn sách sẽ khiến những đứa trẻ bật khóc và người lớn ngậm ngùi cay mắt, bởi những tình tiết cảm động đẹp đẽ. Giữa đời sống khốn khó ấy, tác giả không đi sâu vào những cay cực để vẽ nên bức tranh buồn bã, mà từ những cay cực ấy, dùng sắc màu của thiên nhiên xanh ngát, của tình cảm ấm cúng để lưu dấu những đẹp đẽ, nhân hậu và niềm hy vọng.