Chính cử chỉ “bên ngoài thời gian” đó đã khơi mạch cho tác phẩm, khiến Agnès (tên của người phụ nữ) trở thành nhân vật trung tâm của “Sự bất tử”, mặc dù tính trung tâm đó luôn bị che mờ. Agnès được mô tả như là đại diện cho nỗi khát khao sống vượt thời gian, để “lưu lại trong ký ức của hậu thế”, giống như cuộc hôn nhân của cô với Paul đại diện cho “ảo ảnh của tình yêu, một ảo ảnh mà cả hai đã bảo vệ và nuôi dưỡng”.
Dường như chỉ có Kundera mới có văn tài xây dựng một cuốn tiểu thuyết dịu dàng, dí dỏm và thông thái về tình yêu và cái chết từ một nét vẻ của người phụ nữ đã không còn xuân.
Trong “Sự bất tử”, khát vọng sống bên ngoài thời gian còn đúng ở những nhân vật tầm cỡ mà hậu thế dường như đặt họ nằm ngoài dòng chảy của thực tế lịch sử. Đáng chú ý nhất trong số này là Johann Wolfgang von Goethe, nhà văn vĩ đại người Đức, người có mối tình lãng mạn vô song với nàng Bettina trẻ tuổi, ngây thơ.
Trong trí tưởng tượng của Kundera, nàng Bettina chính là một phép ẩn dụ cho nỗi khao khát bất tử và luôn có những mánh khóe kỳ quặc để tìm kiếm sự bất tử. Kundera táo bạo khẳng định: “Câu chuyện tình của họ nổi tiếng vì ngay từ đầu đây không phải là tình yêu, mà là một cái gì đó khác… Đó là sự bất tử”.
Trong cuốn sách, Kundera còn để Goethe gặp gỡ Hemingway để chuyện trò về sự bất tử và những trớ trêu của nó. Hemingway nói: “Thay vì đọc sách của tôi, họ lại viết sách về tôi”. Goethe trả lời: “Đó chính là sự bất tử. Sự bất tử là tòa án đời đời”.
Từng trang của “Sự bất tử” đều lôi cuốn độc giả với lối nói trào phúng, những nhận xét dí dỏm. Kundera không phải là Montaigne, vốn được xem là người đã đưa tiểu luận thành một thể loại văn học nhưng rõ ràng ông thành công với những trang viết uyển chuyển, sâu cay.