Saffron loạn giá, mập mờ chất lượng

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, nhụy hoa nghệ tây (saffron) được nhiều người tìm mua khiến mặt hàng này lên “cơn sốt”, bất chấp giá bán lên đến cả trăm triệu đồng/kg.

 Ảnh minh họa
Thời gian qua việc sử dụng sản phẩm saffron trong bảo vệ sức khỏe đã trở thành phong trào khi nhiều người tiêu dùng mua và sử dụng. Vì thế mặt hàng này được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với nhiều mức giá khác nhau. Trên Facebook, nick name Thunguyen rao bán sản phẩm Saffron loại chất lượng trung bình với giá 150.000 đồng/g (150 triệu đồng/kg), trong khi nick name Beubeu lại rao lên tới 350.000 đồng/g (350 triệu đồng/kg), sản phẩm cao cấp có giá dao động trong khoảng 400.000 - 500.000 đồng/g (450 - 500 triệu đồng/kg). Để khách hàng có thể dùng thử, nhiều người kinh doanh còn giới thiệu lọ saffron 0,2g với giá 100.000 đồng/lọ, tính ra cả triệu đồng/g.

Là mặt hàng có giá trị cao nên saffron không nằm ngoài tầm ngắm của nạn hàng giả, hàng nhái. Nhiều người tiêu dùng phản ánh, hiện nhiều người kinh doanh online rao bán sản phẩm saffron ngon - bổ - rẻ, chỉ 1 triệu đồng/hộp 10g, tính ra chỉ 100.000 đồng/g. Thế nhưng khi dùng mới thấy là hàng giả bởi nhụy hoa bị nhũn, đứt ra làm nhiều mảnh, nước loang sang màu đỏ. Trong khi hàng thật, khi thả vào nước sẽ mất một khoảng thời gian mới chuyển sang màu vàng, nhụy hoa không hề đứt gãy.

Qua tìm hiểu được biết nguyên nhân khiến sản phẩm này được người tiêu dùng tìm mua sử dụng là bởi nhiều công ty và các trang bán hàng online quảng bá sản phẩm saffron đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận có công dụng: Tăng cường trí nhớ, giảm mất ngủ, điều trị trầm cảm, làm đẹp da, chống lão hóa, hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư... Tuy nhiên, saffron có tác dụng như vậy hay không lại không được người dùng quan tâm, trong khi các chuyên gia cảnh báo cẩn thận lợi bất cập hại.

Trao đổi vấn đề này với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, TS Trần Đáng cho biết: Saffron là tên gọi của một loại gia vị được sản xuất từ nhụy hoa nghệ tây trồng tại vùng Địa Trung Hải. Sản phẩm này chưa có trong dược điển Việt Nam, nghiên cứu gần đây cũng chưa thấy nhắc tới tác dụng điều trị bệnh, nâng cao sức khỏe. “Nếu nói saffron có tác dụng chữa ung thư thì tôi cho rằng có thể có ảnh hưởng, nhưng về nguyên lý khoa học chỉ là ở một mức độ thôi, không thể chữa được. Vì thế, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua và dùng các sản phẩm này” - TS Trần Đáng nói. Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục cảnh báo, sản phẩm saffron đang trở thành “cơn sốt” trên thị trường tiêu dùng, giá bán rất đắt nên rất dễ bị làm giả bằng cách dùng hóa chất để nhuộm màu, tạo mùi hương. Vì vậy người dân cần thận trọng trước những lời quảng cáo trên mạng xã hội về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Khi có nhu cầu sử dụng một sản phẩm liên quan đến sức khỏe, người dân cần tìm hiểu rõ tính năng tác dụng cũng như nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, nên tham khảo ý kiến của các dược sĩ, bác sĩ trước khi sử dụng để tránh “tiền mất, tật mang” - ông Dục khuyến cáo.