Sai lầm kinh doanh cần tránh khi kinh tế khó khăn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi nền kinh tế càng gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp càng phải đưa ra nhiều quyết định lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ hóa như hiện nay, phần lớn các chiến lược truyền thống thường được dùng để chèo lái DN trong thời điểm khó khăn sẽ trở nên vô tác dụng.

Rất nhiều các chiến lược mà các DN thường áp dụng có thể sẽ thành con dao hai lưỡi với những hệ lụy khôn lường.
 
Sai lầm kinh doanh cần tránh khi kinh tế khó khăn - Ảnh 1
 
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
 
Để hạn chế những chiến lược mang lại hệ lụy, theo ông Serge Dupaux- Tổng giám đốc Regus Việt Nam, DN nên tránh 5 sai lầm phổ biến sau:
 
Thứ nhất, tập trung vào các thị trường truyền thống: Khi phải đương đầu với nhiều khó khăn, thông thường các DN sẽ chọn chiến lược “an toàn” và chỉ tập trung vào các phân khúc, các thị trường truyền thống. Một nghiên cứu mới đây cho thấy tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, những doanh nghiệp hoạt động tại các thị trường quốc tế thường có kết quả kinh doanh tốt hơn (tính theo mức độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận), so với các doanh nghiệp chỉ hoạt động tại thị trường nội địa. Điều này cho thấy rằng các doanh nghiệp đang hoạt động “xuyên biên giới” đã nhận thức rất rõ tiềm năng và giá trị của các thị trường nước ngoài và họ cũng sẵn sàng đầu tư cho các thị trường tiềm năng này.
 
Thứ 2, kinh tế khó khăn không phải là thời điểm thích hợp cho các dự án mở rộng phức tạp và tốn kém. Để mở rộng quy mô hoạt động, các DN chắc chắn sẽ phải đầu tư nhiều nguồn lực và lên kế hoạch rất kỹ. DN cần đầu tư thời gian để nghiên cứu về các thị trường mới và tìm hiểu những quy định pháp lý đi kèm. Tuy nhiên, các rào cản đầu tư có thể không lớn hoặc khó khăn như bạn hình dung.
 
Có khoảng 1/3 DN trên toàn cầu cho rằng rào cản lớn nhất khi mở rộng hoạt động ra các thị trường nước ngoài là thiết lập văn phòng đại diện/chi nhánh tại nước đó. Tuy nhiên, các DN hoàn toàn có thể giảm thiểu các khoản đầu tư và chi phí để thành lập văn phòng tại nước ngoài bằng cách sử dụng các dịch vụ văn phòng ảo, hoặc sử dụng các dịch vụ văn phòng trọn gói, linh hoạt. Những dịch vụ này giúp cho doanh nghiệp không phải bỏ ra một số tiền lớn ban đầu để đặt cọc và thuê địa điểm, hay đầu tư vào các trang thiết bị văn phòng,  trong khi lại có thể mở rộng hoặc thu hẹp quy mô văn phòng theo tình hình kinh doanh.
 
Thứ 3, DN nên cắt giảm nhân sự hoặc ngưng tuyển thêm vì chi phí nhân sự rất tốn kém. Nhân sự là khoản chi phí tốn kém nhất cho phần lớn các doanh nghiệp, nhưng để mất đi nhân tài còn tồi tệ hơn nhiều. Thay vào đó, các DN nên tìm cách giảm thiểu các chi phí cố định khác như chi phí văn phòng, hoặc tìm cách giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Có đến 41% DN cho rằng các biện pháp đơn giản như cho phép nhân viên chọn địa điểm làm việc nhằm giảm thiểu thời gian di chuyển cũng như áp lực công việc sẽ giúp DN nâng cao năng suất.
 
Về mặt tuyển dụng, một trong những cách giảm thiểu chi phí nhân sự là thuê nhân viên thời vụ hoặc tuyển dụng chuyên gia làm việc theo dự án.  Điều này sẽ giúp DN chỉ trả lương khi họ có việc cần đến chuyên môn của những người này, và có khoảng 49% các DN đã thuê nhân viên thời vụ trong năm 2012.
 
Thứ 4, khách hàng hiểu DN đang gặp nhiều sức ép và họ sẽ thông cảm: Dù DN bạn đang gặp sức ép gì chăng nữa, đừng bao giờ để chúng ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ khách hàng.  Không có gì tồi tệ hơn việc mất đi một khách hàng quen thuộc – đơn giản chỉ vì đánh mất một khách hàng đồng nghĩa với việc đánh mất các đơn hàng kế tiếp, cũng như các khách hàng tiềm năng mà họ có thể giới thiệu.
 
Chính vì vậy, bạn hãy làm tất cả mọi thứ có thể để đảm bảo sự hài lòng của khách hàng – về sản phẩm, giá cả, hỗ trợ, giá trị và các giao tiếp thông thường – và hãy luôn luôn để tâm tới các dấu hiệu cho thấy khách hàng không hài lòng ngay từ khi nó mới phát sinh.
 
Ngoài ra, DN nên đối mặt với sức ép giảm giá từ khách hàng.  Thay vì đáp ứng, hãy khéo léo đàm phán các lựa chọn khách như tăng giá trị dịch vụ mà vẫn giữ nguyên giá. DN cũng có thể tung ra các gói sản phẩm/dịch vụ cơ bản với mức giá rẻ hơn, song song với các sản phẩm truyền thống.
 
Thứ 5, cắt giảm chi phí bằng các tự làm mọi thứ: Nếu DN hạn chế thuê ngoài và tự làm mọi thứ, họ sẽ phải tập trung vào các công việc này mà sao lãng các công việc chính mang lại doanh thu.  Thay vào đó, nếu DN thuê dịch vụ hành chính hay quản lý văn phòng, điều này sẽ giúp bộ máy lãnh đạo tập trung vào các hoạt động mang lại nhiều doanh thu hơn, do không phải giải quyết quá nhiều sự vụ hành chính. Ví dụ, các nhà cung cấp dịch vụ văn phòng thường có các giói dịch vụ như lễ tân, thư từ, quản lý CNTT và bảo trì văn phòng.  Các nhà cung cấp này cũng có thể cung cấp các tiện ích mà một công ty nhỏ khó có thể đầu tư, như các máy in chất lượng cao hoặc các dịch vụ hội đàm qua video.