Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sai phạm tại tòa nhà hỗn hợp Sông Đà, Hà Đông: Bài 3: Khởi kiện chủ đầu tư?

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đó là ý kiến kiến nghị của cư dân và Ban quản trị tòa nhà hỗ hợp Sông Đà trao đổi với phóng viên, rằng: Nếu Công ty Sông Đà tiếp tục chây ỳ không bàn giao hồ sơ tòa nhà và phí bảo trì thì BQT và cư dân sẽ gửi đơn tố cáo, khởi kiện CĐT?

Chủ đầu tư sai phạm, cư dân chịu hậu quả

Những sai phạm kể trên của CĐT, cư dân ở tòa nhà hỗn hợp Sông Đà đang phải hứng chịu hậu quả. nghiêm trọng. Theo ông Nguyễn Văn Linh, nhà 2201, tầng 22 cho biết: Thang máy từ 2010 đến nay không được bảo trì có thể rơi bất kỳ lúc nào, hành lang xung quanh tòa nhà, tường trong căn hộ, cửa thoát hiểm phòng chống khói khi có hỏa hoạn đang bị xuống cấp nghiêm trọng, tay co cửa thoát nạn đang bị hỏng, không còn tác dụng ngăn khói nhưng không có kinh phí để bảo dưỡng, bảo trì. Khi gia đình ông mua về đây CĐT giới thiệu đây là căn hộ cao cấp. Nhưng mới qua 7 năm sử dụng tường trong nhà ông đang bị thấm nước, bục bở ra từng mảng vữa. Theo ông thì đây chỉ là nhà cấp thấp.
 Từng mảng tường nhà ông Nguyễn Văn Linh, căn 2201, tầng 22 đang bị bục bở.
Ông Nguyễn Văn Dũng, nhà 2905 tòa nhà Sông Đà: Thang máy khi vào lúc 7 giờ 30 đến 8 giờ sáng, buổi chiều tối khi tan tầm đều quá tải. Nguyên nhân là do, trong tòa nhà có nhiều căn hộ cho thuê làm văn phòng, cho thuê làm địa điểm để dạy học. Lượng người vào làm việc, học tập tại tòa nhà này rất nhiều. Không chỉ hệ thống thang máy quá tải, mà nhiều dịch vụ của cư dân bị ảnh hưởng. Hành lang thoát hiểm, cửa thoát hiểm để thùng rác chặn lại nếu có hỏa hoạn sẽ khó thoát ra.

Ông Hà Thế Long mua lại căn hộ 2005 đã được 4 năm. Ông đã tham dự nhiều cuộc họp do CĐT và BQT tổ chức. Trước đây khi chưa bầu được BQT tòa nhà thì CĐT cho rằng không có BQT nên không bàn giao được hồ sơ nhà và phí bảo trì. Tuy nhiên, tòa nhà đã bầu BQT được quá nửa năm nay nay CĐT vẫn cố tình không bàn giao. Nhiều hạng mục công trình đang xuống cấp, do đó không có kinh phí để sửa chữa được. Thang máy lâu ngày không sửa chữa bảo dưỡng, tháng máy nhiều lúc đang đi bị tụt thang. Nhiều người thuê căn hộ làm văn phòng có thể dẫn đến cháy nổ do quá tải điện, và quá tải khi đi thang máy do đó quyền lợi của cư dân bị xâm phạm.
 Những chiếc đèn trong thang máy đã mất lâu ngày nhưng không được thay thế vì không có phí bảo trỉ.
 Vữa tường khu vực cửa thoát hiểm bị rơi từng mảng. Những chiếc thanh co cửa thoát hiểm cũng đã không đóng được khít do lâu ngày không bảo dưỡng.
Theo luật sư Nguyễn Chí Dũng: Do tòa nhà có quá nhiều sai phạm nên CĐT là Công ty Sông Đà không dám bàn giao hồ sơ nhà và phí bảo trì. Vì trước khi bàn giao thì CĐT phải sửa chữa các hạng mục công trình đúng theo thiết kế được duyệt; hệ thống PCCC phải bảo đảm đúng quy chuẩn quy định trong Luật PCCC.

Đặc biệt, hiện tại nhiều căn hộ đang xuống cấp trầm trọng do chất lượng công trình kém. Tại cuộc họp của cư dân với BQT và CĐT hồi tháng 5 vừa qua, cư dân tại đây đã kiến nghị với Công ty Sông Đà trả phí bảo trì cho cư dân, nhưng CĐT vẫn thiếu thiện chí.

Làm gì để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ của mình?

Theo ông Đỗ Thái Sảng, Trưởng BQT tòa nhà: Sau khi nhận được Quyết định thành lập, BQT tòa nhà hỗ hợp Sông Đà đã tiến hành các bước yêu cầu CĐT thực hiện trách nhiệm với cư dân. Tuy nhiên, Công ty Sông Đà vẫn không thực hiện những yêu cầu của cư dân và BQT. Rõ nhất là ngày 14/5/2017, tại cuộc họp BQT, cư dân với CĐT; nội dung biên bản ghi rõ ý kiến của ông Thụy kết luận: “Bàn giao toàn bộ hồ sơ tòa nhà theo đúng quy định của pháp luật trước ngày 21/5; xác định phí bảo trì đến hết tháng 5 và chuyển kinh phí bảo trì cho BQT vào tháng 8/2017”.
 Biên bản họp giữa cư dân, BQT tòa nhà với Công ty Sông Đà. Ông Trịnh Xuân Thụy đã ký vào biên bản bàn giao hồ sơ tòa nhà và phí bảo trì. Nhưng đã qua hơn 1 tháng thời hạn theo quy định của biên bản CĐT không có động thái nào.
Tuy nhiên, theo phản ánh của BQT đến cuối tháng 6, có nghĩa quá thời hạn 1 tháng theo biên bản họp để CĐT phối hợp với BQT bàn giao hồ sơ nhà, nhưng CĐT không có động thái nào. Mặc dù BQT đã gọi điện nhắc nhở nhiều lần sau cuộc họp.

Gần đây nhất, ngày 19/5/2017 của BQT gửi cơ quan PCCC TP Hà Nội. Sau những buổi đến kiểm tra cơ quan này cũng chưa có kết luận nào trả lời cư dân. Về phía quận Hà Đông, phóng viên cũng đã trao đổi với ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận Hà Đông về việc bàn giao hồ sơ nhà và phí bảo trì cho BQT. Ông Phụng cho biết: Quận Hà Đông đã làm quyết liệt để các đơn vị CĐT trong đó có Công ty Sông Đà phối hợp với cư dân thành lập BQT. Còn việc bàn giao nhà và phí bảo trì phụ thuộc vào Sở Xây dựng Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trả lời những kiến nghị của cử tri Hà Đông, trong đó có cư dân sống tại chung cư do Công ty Sông Đà xây dựng: Luật Nhà ở ban hành 2003, và Luật Nhà ở sửa đổi 2013, việc phát triển chung cư theo tinh thần đang sở hữu, quy định trách nhiệm tham gia cùng với BQT là cơ quan quản lý Nhà nước phường, quận và sở Xây dựng quản lý lĩnh vực chuyên môn.
 Lối vào của tòa nhà, theo quy định của pháp luật đây là sở hữu chung nhưng hiện tại CĐT cho siêu thị điện máy ngày đêm ra vào làm hạ tầng xuống cấp.
Theo ông Dũng, sau khi kiểm tra nhiều chung cư trên địa bàn cho thấy nhiều CĐT thực hiện chưa tốt trách nhiệm theo quy định của pháp luật, trong đó có việc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu BQT; bàn giao cho BQT hồ sơ nhà chung cư; bàn giao sở hữu chung, riêng; bàn giao 2% phí bảo trì. Đối với việc bàn giao phí bảo trì, trước Luật Nhà ở 2013 sửa đổi không quy định tách riêng phí bảo trì, và sau 2013 thì theo quy định CĐT phải tách riêng phí bảo trì ra 1 tài khoản trong ngân hàng để dễ bàn giao. Những tòa nhà có trước khi Luật Nhà ở sửa đổi 2013, CĐT không để riêng phí bảo trì dẫn đến những khúc mắc khi bàn giao. Nguyên nhân là do, quá trình vận hành CĐT đã sử dụng một phần kinh phí phí bảo trì. Mặt khác, không phải lúc nào CĐT cũng sản xuất kinh doanh suôn sẻ, nêu không sẵn có tiền trong tài khoản, do đó việc bàn giao phí bảo trì cho BQT không đúng thời hạn.
 Bãi xe tối khi cư dân về thì vắng hoe. 
 Nhưng hầm xe ban ngày lại chật cứng vì CĐT làm dịch vụ từ bên ngoài. Đây là một trong những diện tích sở hữu chung mà CĐT không muốn bỏ ra.
Theo quy định của Luật Nhà ở sửa đổi 2013, nếu CĐT không bàn giao phí bảo trì chính quyền sở tại là UBND quận Hà Đông và UBND TP Hà Nội thực hiện cưỡng chế tài khoản nếu CĐT không bàn giao phí bảo trì.

Để đòi quyền lợi cho cư dân, BQT tòa nhà đã gửi công văn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền theo đoạn 2 Khoản 1 Điều 109 Luật Nhà ở năm 2014, BQT nhà chung cư có quyền yêu cầu UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định tại Điều 37 Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn rơi vào im lặng. CĐT không có một động thái nào phối hợp với BQT. Theo như cư dân tại đây, hiện nay tòa nhà đã quá xuống cấp, CĐT đang đặt tính mạng của hàng nghìn người dân trong hiểm họa.

Theo Luật sư Dũng, nếu CĐT không hợp tác, các cư dân và BQT tại đây có thể lựa chọn phương án khởi kiện chủ đầu tư ra cấp toà án có thẩm quyền theo các thủ tục tố tụng dân sự, phá sản để thu hồi kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư chưa bàn giao hoặc bàn giao thiếu.
Mong rằng chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn là UBND quận Hà Đông, Sở Xây dựng, cơ quan PCCC nêu cao trách nhiệm của mình trong việc quản lý nhà nước và quản lý về chuyên môn, đáp ứng lòng mong mỏi của cư dân tại tòa nhà hỗ hợp Sông Đà, tránh đi những hiểm họa khó lường.