Đây là thông tin được đưa ra trong hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn diễn ra ngày 10/12 tại thôn Tu Thó (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum). Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu là doanh nghiệp, hợp tác xã, người trồng sâm Ngọc Linh và các nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc, ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay, “hội thảo tập trung phản ánh về quá trình phát hiện sâm Ngọc Linh; giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh; xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh; các giải pháp nâng tầm sâm Ngọc Linh; cách phân biệt sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác. Ngoài ra hội thảo cũng đã giải đáp đầy đủ, chi tiết các vấn đề người dân quan tâm như cách phòng trừ bệnh cho cây sâm; phân tích giá trị của cây sâm Ngọc Linh so với các loại sâm khác; biện pháp nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh; áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển sâm.”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - ông Nguyễn Hữu Tháp cho biết thêm: hiện 1 héc ta sâm Ngọc Linh đem lại giá trị hơn 30 tỷ đồng. Thực sự là một cây trồng có giá trị cao về kinh tế, tuy nhiên loại cây này đang đối mặt với nạn sâm giả khiến người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã bị thiệt hại lớn.
Theo Quyết định 611/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 định hướng đến năm 2045, đã thể hiện rõ ý chí biến Sâm “quốc bảo” trở thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cho người trồng sâm, trong đó Sâm Ngọc Linh là loại có giá trị dược lý và giá trị kinh tế vượt trội.
Trong những qua, tỉnh Kon Tum và huyện Tu Mơ Rông đã ban hành nhiều văn bản chính sách bảo vệ cây sâm Ngọc Linh nhưng vẫn chưa hiệu quả như mong muốn. Đóng góp về vấn đề này, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức cho hay, “Do giá cả chênh lệch đến hàng trăm triệu đồng giữa một số loại sâm so với Sâm Ngọc Linh, cùng với tình trạng nhập lậu Tam Thất hoang giá rẻ, chất lượng không kiểm soát từ Trung Quốc vào Việt Nam, thị trường sâm đang bất ổn, thiếu kiểm soát, dẫn đến tình trạng hàng gian, hàng giả tràn lan, gây thiệt hại hình ảnh và uy tín của Sâm Ngọc Linh và thiệt hại cho người dùng. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển cây sâm của Việt Nam chưa thật sự chặt chẽ và khoa học ... đã gây khó khăn, thậm chí hạn chế sự phát triển của Sâm Việt Nam nói chung và Sâm Ngọc Linh nói riêng”.
Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức kiến nghị, “nhanh chóng xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia, chuyên luận dược điển phù hợp cho từng loại sâm, nhất là áp dụng các phương pháp kiểm nghiệm hiệu quả để phân biệt các loại sâm, xác định đúng giá trị. Áp dụng biện pháp mạnh mẽ kiểm soát thị trường sâm, đặc biệt phải tăng cường quản lý chất lượng để giữ gìn hình ảnh, uy tín của các cây sâm, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước…"
Các nhà khoa học khuyến nghị để bảo vệ cần sâm Ngọc Linh doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân trồng sâm cần đồng lòng, đồng tâm, hợp sức thực hiện những chính sách vĩ mô và vi mô, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Làm sao phải hài hoà, hiệu quả, trong đó cần đặt lợi ích toàn cục của đất nước và Nhân dân trên hết.