Samsung: Người thừa kế có thể lên nắm quyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người phát ngôn tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc hôm nay (15/5) cho biết ông Lee Jay Yong, người kế vị của tập đoàn sẽ chính thức tiếp quản quyền điều hành hai trung tâm phát triển then chốt của tập đoàn từ Chủ tịch Lee Kun Hee.

Samsung: Người thừa kế có thể lên nắm quyền - Ảnh 1
Ông Lee Jay Yong.
Cụ thể, ông Lee Jay Yong sẽ trở thành chủ tịch của Samsung Life Public Welfare Foundation và Samsung Foundation of Culture, hai trung tâm phát triển quan trọng nhất của tập đoàn này kể từ ngày 31/5. Theo một nguồn tin thân cận của hãng thông tấn Reuters, người thừa kế tập đoàn, ông Jay Y.Lee đã bắt đầu giữ vị trí đầu não tại tập đoàn Samsung Electronics khi cha ông phải nhập viện một năm trước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên công bố chính thức việc tiếp quản vai trò lãnh đạo của ông từ chủ tịch Lee Kun – Hee, mở đường cho một sự hoán đổi thế hệ quyền lực trong tương lai gần.

Samsung - tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc là ví dụ tiêu biểu cho mô hình công ty “gia đình trị” hay còn gọi là chaebol, nét đặc trưng của nền kinh tế hàng đầu châu Á. Đương kim chủ tịch Lee Kun Hee là con trai thứ ba của nhà sáng lập Samsung. Tháng 5 năm ngoái ông nhập viện vì bệnh tim đúng vào thời điểm khó khăn cho cả tập đoàn khi chỉ vài tuần trước đó, Samsung Electronics ra mắt mẫu smartphone đầu bảng mới nhưng không gây được ấn tượng cho công chúng, mở đầu cho vết trượt dài nhất về lợi nhuận của hãng trong thời gian gần đây. Sự vắng mặt của ông Lee đã để lại phía sau một doanh nghiệp với cấu trúc quản lý phức tạp ẩn trong vẻ ngoài hào nhoáng.

Con trai duy nhất của chủ tịch Lee Kun Hee, người kế vị Lee Jay Yong đã tốt nghiệp nhiều trường danh giá, trong đó có Harvard. Ông được miêu tả là người chăm chỉ, biết lắng nghe, trầm lặng và từng được gọi là “đại sứ Samsung”. Ông thường xuyên gặp gỡ quan chức nhà nước cao cấp và lãnh đạo các công ty khác như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Giám đốc Google Larry Page, Tổng Giám đốc Facebook Mark Zuckerberg, Tổng Giám đốc Apple Tim Cook.

Chaebol là một mô hình của tập đoàn thuộc sở hữu và điều hành bởi một gia đình tại Hàn Quốc, bao gồm một công ty mẹ, và có nhiều công ty con hoạt động để đáp ứng yêu cầu vật tư và dịch vụ của công ty mẹ. Tại các Chaebol từ vị trí chủ tịch cho đến các giám đốc điều hành đều là thành viên trong một gia đình cho nên mô hình này còn được gọi bằng một cái tên ngắn gọn là “gia đình trị”.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế của Hàn Quốc bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Để giải quyết những khó khăn trên, chính phủ nước này đã đưa ra một số quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp lớn có sẵn cả về các chính sách ưu đãi, về thuế… Kể từ đó các doanh nghiệp này không ngừng phát triển, trở thành những tập đoàn hàng đầu thế giới và đưa Hàn Quốc trở thành một trong những nền kinh tế phát triển. Bốn chaebol lớn nhất Hàn Quốc bao gồm Huyndai, Samsung, SK và LG đã làm mưa làm gió tại đất nước này cũng như nổi danh trên thế giới, đóng góp 90% trong tổng số lợi nhuận của 30 tập đoàn đứng đầu Hàn Quốc năm 2013.