Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sân bay quốc tế Long Thành- lực đẩy mới của thị trường bất động sản

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sự sôi động của thị trường bất động sản Long Thành trong thời gian vừa qua đến từ thông tin quy hoạch Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành. Đây là một lực đẩy quan trọng cho thị trường bất động sản 2021.

Tại Tọa đàm “Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay” do Hiệp hội Bất động sản việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, bên cạnh sự nổi bật về tiềm năng giao thông, hạ tầng, đô thị, dự án Sân bay Quốc tế Long Thành được quy hoạch đã trở thành đòn bẩy tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản.
 Toàn cảnh Tọa đàm
“Khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Long Thành sẽ trở thành trung tâm của “thành phố sân bay” và là tâm điểm kết nối giao thương của cả khu vực. Trong tương lai không xa, nhu cầu sở hữu bất động sản để phát triển thương mại - dịch vụ và các loại hình kinh doanh ở đây sẽ tăng vọt”, ông Hà khẳng định.
Cùng quan điểm, PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định thị trường bất động sản tại khu vực Long Thành và các vùng xung quanh sẽ nhận được nhiều cơ hội lớn cũng như những thách thức trước sự xuất hiện của Dự án sân bay Long Thành.
“Sự xuất hiện của dự án sân bay Long Thành sẽ tạo ra những vùng ảnh hưởng rất lớn như về bất động sản dân cư, bất động sản công nghiệp sẽ có bước phát triển đột phá của các nhà máy có nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường không và tất cả các loại hình bất động sản của thành phố lân cận như Thủ Đức, TP. Biên Hòa”, vị chuyên gia này nhận định.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Quốc Việt Nam, Giám đốc Marketing cấp cao Tập đoàn Đất Xanh khẳng định, ở đâu có cơ sở hạ tầng thì ở đó có thị trường bất động sản phát triển.
“Nói về cơ sở hạ tầng ở Đồng Nai có thể thấy sự đầu tư của Chính phủ và tỉnh là rất lớn, không chỉ ngắn hạn trong 10 năm mà là 30 năm. Ví như cao tốc TP.Hồ Chí Minh- Long Thành - Dầu Giây, Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đồng Nai và Vũng Tàu cũng đang nghiên cứu làm cao tốc kết nối hai tỉnh này… Ngoài ra, cụm cảng Cái Mép cũng lớn nhất ở Việt Nam… Sân bay Long Thành là cái lõi để kết nối các tuyến cao tốc xung quanh. 
Có hai cơ sở hạ tầng lớn hàng đầu ở Long Thành là sân bay và cảng nước sâu cùng với 5 tuyến cao tốc và cầu Cát Lái. Như vậy, đây là khu vực cực kỳ tiềm năng với quy mô đầu tư lớn”, ông Nam nói.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam trước đó cho thấy, đất nền Long Thành đang là một kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: “Việc đầu tư sân bay Long Thành và TP. Hồ Chí Minh đề xuất phát triển Thành phố Đông Sài Gòn cộng với hàng loạt cầu đường kết nối không gian phát triển các tỉnh Miền Đông Nam Bộ với TP. Hồ Chí Minh đã tạo nên làn sóng thực sự sôi động cho thị trường bất động sản các tỉnh phía Nam trong thời gian qua”.
Ông Vũ Quốc Việt Nam, Giám đốc Marketing cấp cao Tập đoàn Đất Xanh cũng cho hay, các nhà đầu tư bất động sản đều gắn liền với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đó là lý do mà Tập đoàn Đất Xanh cũng có 1 dự án ở Long Thành.
“Cách đây khoảng hơn 1 tháng, tôi đã đi khảo sát thực tế, Long Thành có tuyến đường trung tâm là tuyến đường Lê Dũng. Một điều rất ngạc nhiên là giá đất dọc tuyến đường này lên tới 70 - 120 triệu đồng/m2. Trong khi ở xung quanh, giống như các chuyên gia đã chia sẻ, thì đây chỉ đơn thuần là vùng nông nghiệp, tuy nhiên, Long Thành là vùng nông nghiệp về cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su. Do vị trí và kết nối xung quanh thuận lợi nên nhu cầu rất cao, khiến bất động sản khu vực này có nhu cầu rất lớn”, đại diện Tập đoàn Đất Xanh cho biết