Sân bay Sa Pa liệu có thể trở thành một “Vân Đồn trên núi”?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, Cảng hàng không Sa Pa đang được kỳ vọng sẽ trở thành một “Vân Đồn trên núi” của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc. Kỳ vọng là vậy nhưng liệu kỳ vọng trên có thể trở thành hiện thực?

Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa.
Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa.

Kỳ vọng lớn từ “sân bay trên núi”

Ngày 21/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cảng Hàng không (CHK) Sa Pa với tổng mức đầu tư 6.948 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tổng vốn Nhà nước tham gia vào dự án là 2.730 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng, còn lại nhà đầu tư huy động 4.218 tỷ đồng.

Theo quyết định, địa điểm xây dựng sân bay Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất của sân bay 371ha trong đó giai đoạn 1 là 295,2ha, giai đoạn 2 là 75,8ha.

Trong giai đoạn 1 (thực hiện từ năm 2021), sân bay Sa Pa được xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và là sân bay quân sự cấp II, công suất 1,5 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 2 (hoàn thiện, thực hiện sau năm 2028) sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để sân bay đạt công suất 3 triệu khách/năm. Dự kiến, thời gian thực hiện dự án sân bay Sa Pa 50 năm, gồm thời gian xây dựng 4 năm, thời gian khai thác và thu hồi vốn 46 năm.

 

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), trên diện tích 325ha, được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình trọng điểm nằm trong quy hoạch phát triển chiến lược kinh tế xã hội của Quảng Ninh.

Điểm nhấn lớn nhất tại dự án thành phần 2 là xây dựng nhà ga hành khách 1 cao trình, đáp ứng khai thác đến 1,5 triệu hành khách/năm, 600 hành khách/giờ cao điểm; diện tích xây dựng nhà ga 12.161m2; xây dựng nhà điều hành cảng hàng không với diện tích 2.538m2, co 3 tầng; xây dựng nhà xe kỹ thuật ngoại trường diện tích 833m2 và trạm khẩn nguy cứu hỏa diện tích 451m2.

Bên cạnh đó, dự án còn đặt mục tiêu xây dựng nút giao khác mức giao cắt với Cao tốc Hà Nội - Lào Cai; đường giao thông vào cảng với chiều dài khoảng 1,66km, gồm 2 làn xe, đoạn từ trạm thu phí đến đường cao tốc có bề rộng mặt đường 7m, nền đường 14m; đoạn từ trạm thu phí đến khu hàng không dân dụng có bề rộng mặt đường 6m, nền đường 9m.

Việc đầu tư xây dựng CHK Sa Pa có ý nghĩa rất quan trọng, tạo bước đột phá lớn về hạ tầng giao thông đối với tỉnh Lào Cai và vùng Trung du, miền núi phía Bắc, góp phần cụ thể hóa triển khai Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Trong bối cảnh phát triển đường bộ gặp nhiều khó khăn, việc xây dựng, khai thác các sân bay như Sa Pa  (Lào Cai), Điện Biên, Nà Sản (Sơn La)  sẽ tạo đột phá rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, thậm chí kể cả các nhà đầu tư lớn như Samsung, khi phần lớn các sản phẩm của họ được vận chuyển đi khắp thế giới bằng đường hàng không - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Điều này càng trở nên quan trọng khi Lào Cai được xác định sẽ trở thành cực tăng trưởng, là trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Cảng Hàng không Sa Pa sẽ là cầu nối quan trọng để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và dịch vụ của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân.

Dù là điểm du lịch nổi tiếng nhưng khu du lịch Sa Pa chưa hẳn là sự đảm bảo chắc chắn cho CHK Sa Pa có thể trở thành một "Vân Đồn trên núi".
Dù là điểm du lịch nổi tiếng nhưng khu du lịch Sa Pa chưa hẳn là sự đảm bảo chắc chắn cho CHK Sa Pa có thể trở thành một "Vân Đồn trên núi".

Liệu kỳ vọng có trở thành hiện thực?

Theo Cục Hàng không Việt Nam, CHK Sa Pa được định hướng là cảng hàng không thu hút khách du lịch nội địa và cho phép tiếp nhận các chuyến bay quốc tế từ các nước trong khu vực.

Nguồn khách tiềm năng cho vận chuyển hàng không đi/đến CHK Sa Pa nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung là khách du lịch và khách công vụ. Trong đó, khách nội địa từ các đường bay liên vùng. Trong tương lai là khách quốc tế từ một số quốc gia như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc.

Một điểm đáng chú ý là các hãng hàng không của Việt Nam đều đánh giá Lào Cai có thể trở thành điểm đến hấp dẫn trong nước và quốc tế. Nhất là việc kết nối các đường bay đến CHK Sa Pa được đánh giá sẽ đem lại sự thuận tiện không chỉ cho người dân Việt Nam mà còn cho du khách quốc tế trong việc đi lại, du lịch và giao thương phát triển kinh tế với các tỉnh vùng Tây Bắc.

Chính bởi vậy, Cục Hàng không Việt Nam dự kiến mạng đường bay nội địa từ Lào Cai đến các điểm du lịch nổi tiếng trong nước như Nha Trang, Quy Nhơn, Cần Thơ, Phú Quốc sẽ được kết nối ngay sau giai đoạn 2025. Còn trước đó, giai đoạn đến 2025 mạng đường bay sẽ được kết nối Lào Cai với TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Mang nhiều điểm tương đồng với CHK Vân Đồn nhưng liệu rằng sân bay Sa Pa có thể trở thành một Sân bay Vân Đồn thứ hai, hay như cách nói của nhiều người là một “Vân Đồn trên núi” hay không lại là một câu chuyện khác. Nhiều chuyên gia cho rằng, kỳ vọng lớn nhưng để CHK Sa Pa thật sự trở thành một “đòn bẩy” cho kinh tế nói chung và du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng vẫn cần thời gian trả lời.

Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực hàng không nhận định, việc Lào Cai là một trong những tỉnh có tiềm năng du lịch lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu để so sánh sân bay Sa Pa với Sân bay Vân Đồn thì không tránh được sự khập khiễng. Bởi điều kiện tự nhiên lẫn kinh tế – xã hội giữa Quảng Ninh và Lào Cai nói riêng và giữa vùng Đông Bắc bộ với trung du miền núi phía Bắc nói chung là rất khác nhau.

“Nếu sân bay Sa Pa sau khi đưa vào khai thác cũng phát huy được hiệu quả và tạo ra động lực lớn cho kinh tế – xã hội địa phương và khu vực phát triển giống như Sân bay Vân Đồn thì sẽ là điều rất tuyệt với. Nhưng đó chỉ là kỳ vọng còn kỳ vọng có thành hiện thực hay không không ai dám chắc được” – vị chuyên gia hàng không này nhận định.

 

“Quy hoạch Sa Pa cần gắn liền với quy hoạch chung của cả khu vực Tây Bắc và cả nước. Nếu chỉ đầu tư để phát triển hạ tầng mà không tính đến yếu tố phát triển lâu dài bền vững sẽ khó đảm bảo hiệu quả. Sa Pa cần có những đánh giá chính xác về nền công nghiệp không khói với những hệ thống hạ tầng cơ sở từng được xây dựng để đáp ứng phát triển du lịch như cáp treo, đường cao tốc. Cần xem xét những hạ tầng này đã khai thác hết công năng để mang lại hiệu quả chưa, lúc đó mới tính đến việc xây dựng cảng hàng không” – Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần