Vì thế, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ được xem là "chìa khóa" chốt lại những tranh cãi này.
Theo như dự thảo quy định, loại hình kinh doanh của Uber và Grab sẽ được chính thức hóa hoạt động thay vì hoạt động theo mô hình thí điểm như hiện nay. Với quy định mới này, đơn vị cung cấp phần mềm sẽ phải đăng ký kinh doanh phù hợp với Sở KH&ĐT của các địa phương và đăng ký thương mại điện tử với Bộ Công Thương. Ngoài ra, những đơn vị này cũng cần đăng ký với Bộ GTVT và Tổng cục Thuế để công tác quản lý thuế được rõ ràng hơn. Như vậy, mỗi chuyến đi của Grab và Uber đều sẽ được cơ quan thuế nắm bắt số tiền cước phí qua phần mềm kết nối với các đơn vị công nghệ, từ đó dễ dàng tính thuế. Điều đáng nói, trước khi trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ GTVT đã triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại một số địa phương. Tuy nhiên, sau khi đề án thí điểm này triển khai, tại một số địa phương, tiêu biểu là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện sự phản đối khá dữ dội của một số hãng taxi truyền thống. Hiện tượng này, nhiều chuyên gia nhận định, là dấu hiệu của một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa taxi truyền thống và taxi hiện đại mà tiêu biểu là Uber và Grab. Nhất là khi hai loại hình kinh doanh vận tải này đang có những quy định khác nhau, tạo nên một sự cạnh tranh thiếu công bằng về chính sách. Đơn cử, kinh doanh vận tải taxi là loại hình kinh doanh có điều kiện, trong khi đó hoạt động của xe hợp đồng dưới 9 chỗ, tiêu biểu là Uber, Grab, về bản chất hoạt động như taxi truyền thống nhưng lại tự quyết định giá cước. Chính sự “nửa nạc nửa mỡ” này gây khó khăn, lung túng cho các địa phương khi thực hiện quy hoạch, quản lý hoạt động của Uber, Grab do chưa thể xác định được loại hình này là taxi hay tương tự taxi. Điều này đẫn đến những “bùng nổ” hỗn loạn của thị trường vận tải taxi thời gian qua.Còn nhớ, tại buổi lễ đánh giá sau 2 năm thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cũng đã thừa nhận, việc thí điểm này vẫn còn nhiều bất cập, cả với cơ quan quản lý Nhà nước và các DN mà tiêu biểu là thị trường kinh doanh dịch vụ taxi hiện nay vẫn chưa bình đẳng và còn nhiều bất cập trong quản lý. Vì vậy, dự thảo thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ là một hành động kịp thời nhằm luật hóa loại hình kinh doanh Uber và Grab, không chỉ tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý mà còn tạo ra một môi trường bảo đảm quyền tự do kinh doanh và được cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa hai loại hình taxi cũ (taxi truyền thống) và mới (Uber, Grap).