KTĐT - Qua hơn 2 năm phát triển ồ ạt, số lượng sàn giao dịch bất động sản trên cả nước đã lên đến con số 368. Thế nhưng, những gì các sàn này đóng góp cho thị trường bất động sản mới chỉ ở mặt số lượng.
Sàn nhiều, giao dịch ít
Thị trường bất động sản Việt Nam bị cho là kém minh bạch với tỷ lệ giao dịch ngầm rất cao, từ 70-80%. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản trong nước chậm phát triển, bị thao túng bởi nạn đầu cơ, “làm giá”. Đa số người mua nhà đất đều rất “đói” thông tin, nếu không nói là “mù” hoàn toàn, nhất là với các dự án phát triển nhà ở, đô thị. Vì thế, để có được thửa đất, hay căn hộ phù hợp với nhu cầu sử dụng, rất ít người có thể tiếp cận với giá gốc. Tình trạng nộp tiền chênh lệch mua suất diễn ra phổ biến.
Theo Bộ Xây dựng, để khắc phục tình trạng này, thay vì giao dịch ngầm, mua bán trao tay, các giao dịch phải thực hiện tại sàn giao dịch. Các quy định pháp luật đã áp đặt yêu cầu này với đối tượng là doanh nghiệp từ 1-1-2007. Hệ quả là “cơn sốt” mở sàn giao dịch bất động sản đã kéo dài trong suốt 2 năm qua. Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay, toàn quốc đã có 368 sàn giao dịch bất động sản được đưa lên website của mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam. Các sàn giao dịch này được phân bố tại một vài địa phương, trong đó phần lớn “đóng” tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương...
Số lượng sàn giao dịch phát triển rầm rộ như vậy nhưng đáng tiếc lại tỷ lệ nghịch với lượng giao dịch. Ghi nhận của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay, tổng số giao dịch bất động sản thông qua sàn trên toàn quốc đạt 3.679 giao dịch, trong đó khu vực phía Bắc (chủ yếu là Hà Nội) là 327 giao dịch; khu vực phía Nam là 3.352 giao dịch. Ước tính, tỷ lệ giao dịch bất động sản thông qua hệ thống sàn giao dịch mới chiếm tỷ lệ 15% tổng giao dịch của thị trường. Không chỉ có vậy, hiện nay, vẫn tồn tại những sàn giao dịch chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, thậm chí có cả sàn giao dịch có dấu hiệu lừa đảo.
Hứa hẹn loại bỏ những “con sâu”
Các nhà quản lý đều nhìn nhận, vai trò tạo ra sự minh bạch cho thị trường bất động sản ở thời điểm này đang là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Lực cản vô hiệu hóa hoạt động của các sàn giao dịch phần lớn đến từ người bán, tức chủ đầu tư các dự án. Rất nhiều chủ đầu tư đã tìm mọi cách né tránh giao dịch qua sàn thông qua “chiêu” lách luật bằng các hợp đồng vay vốn, góp vốn, phát hành trái phiếu công trình kèm quyền mua bất động sản...
Thêm vào đó, chính các doanh nghiệp mở sàn cũng chỉ làm cho có. Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, dù Cục đã có văn bản yêu cầu tất cả các sàn báo cáo tình hình “làm ăn” từ đầu năm đến nay, song chỉ có 1/10 tổng số sàn gửi báo cáo! Luôn khuyến cáo người dân, nhà đầu tư nên vào sàn giao dịch bất động sản để mua bán cho an toàn, song Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận, hiện nay, vẫn còn thiếu những chế tài cụ thể, các sàn chưa được phân bố đều trên các tỉnh, thủ tục thành lập còn quá đơn giản và dễ dãi. “Trong bối cảnh hiện nay, cần nâng cấp dần các sàn để loại bỏ những địa chỉ yếu kém, lợi dụng cơ chế để trục lợi” - ông Nguyễn Trần Nam giãi bày.
Theo các quy định hiện hành, giao dịch kinh doanh bất động sản (BĐS) không qua sàn sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng. Hành vi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản tại sàn giao dịch BĐS không đúng trình tự, thủ tục quy định cũng có mức phạt tương tự. Giới kinh doanh cho rằng, mức phạt trên chỉ như phủi bụi, không thể so sánh với lợi nhuận trong kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, việc phát hiện hành vi vi phạm là không dễ nên thực tế, tới nay, cũng chưa có doanh nghiệp nào bị phạt tiền.