Trước đó, vào lúc 14 giờ 20 ngày 26/7 (giờ Moscow) đại diện sàn giao dịch cũng đã có thông báo trên tài khoản Twitter của họ là website có thể tạm thời bị khoá do một số yêu cầu kỹ thuật tại trung tâm dữ liệu.
Ngừng hoạt động, tài khoản treo
Cũng trong ngày 26/7, cảnh sát Nga đã bắt giữ một nghi can rửa tiền tại Hy Lạp. Theo hãng tin này, nhân vật bị bắt là Alexander Vinnik, 38 tuổi, nhân vật chủ chốt đứng sau sàn giao dịch tiền thuật toán BTC-E. Vinnik bị cáo buộc đã rửa tiền từ các hoạt động phi pháp bằng cách chuyển tài sản thành bitcoin.
Đến tận sáng ngày 27/7, khi nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thể truy cập vào sàn tiền ảo này, đại diện BTC-E lại tiếp tục phát thông báo trên tài khoản Twitter chính thức của BTC-E: “Chúng tôi hiện tại vẫn đang sửa chữa, không thể xác định rõ tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu nữa. Chúng tôi sẽ cập nhật thường xuyên, xin lỗi vì sự bất tiện này.” Đó cũng là thông báo cuối cùng mà các nhà đầu tư nhận được từ BTC-E.
Do không truy cập được vào BTC-E, nhiều nhà đầu tư đã lo lắng và đưa ra nhiều giả thuyết. Trên Twitter, nhiều người cho rằng sàn giao dịch bitcoin và tiền kỹ thuật số BTC-E đã bị hack, nhiều tài khoản BTC-E đã bị các hacker rút tiền. Thậm chí, có cả cảnh báo BTC-E “scam”.. Một thông báo từ ban quản trị BTC-E cho hay sàn sẽ trở lại trong 5-10 ngày tới. Tuy vậy, thông báo này vẫn làm nhiều người lo lắng, trong đó có cả một bộ phận các nhà đầu tư Việt Nam đang “cất giữ” tiền của mình trên sàn BTC-E.
“BTC thì lãi cao hơn bù lại rủi ro cũng cao. Tôi đầu tư 20 BTC từ thời 1k7$/ BTC. Nhưng tới giờ tôi đã bán hơn 7 bit. Nghe tin chủ BTC bị bắt, tôi thấy bất an quá”, một tài khoản tên Công Hùng lo lắng.
Không chỉ riêng anh Hùng, hàng ngàn khách hàng cũng đang bối rối chưa biết phải làm gì để lấy lại tiền đã đầu tư. Chị Thước ( Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết: Để đầu tư vào đây chị đã phải đi vay mượn gần 2 tỉ đồng. Giờ nếu hệ thống không thể giao dịch hoặc giảm giá mạnh chị chắc chắn sẽ mất trắng. Còn anh Hưng, một nhà đầu tư ở Cầu Giấy cho hay, thay vì gửi ngân hàng hay đầu tư chứng khoán, anh chọn đầu tư tiền thuật toán vì "lợi nhuận cao và nhanh hơn các kênh khác, khả năng cao cho lợi nhuận khoảng 20% chỉ trong vòng 1 tháng” với số tiền đã đầu tư là 300 triệu đồng. “Giờ không biết tài sản liệu có lấy được lại hay không", anh nói.
Trong tháng 8/2016 Bitfinex – một trong những sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới cho biết họ đã ngừng toàn bộ giao dịch loại tiền ảo này. Lý do là để kiểm tra lại hệ thống sau sự cố bị hacker tấn công. Bitfinex cho biết hacker đã tấn công vào hệ thống chính của Bitcoin và lấy đi 119.756 Bitcoin, tương đương hơn 65 triệu USD. Ngay sau khi Bitfinex ngừng giao dịch, nhiều hệ thống con của Bitcoin tại Trung Quốc, Anh, Hồng Kông, Úc cũng đã ngưng giao dịch để tránh sự cố đánh cắp thông tin khách hàng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường giao dịch Bitcoin tại Việt Nam. Theo đó, thị trường Bitcoin Việt Nam đã bị dao động mạnh và giá Bitcoin cũng sụt giảm khoảng 30%.
Nguy cơ trắng tay
BTC-E được thành lập từ 2011 với khả năng giao dịch, chuyển đổi Bitcoin, ETH, Litecoin và các loại tiền ảo khác sang USD, euro, rúp với những quy định hết sức lỏng lẻo về kiểm tra danh tính của người dùng, các quy định rửa tiền cũng như nhiều quy định tài chính pháp lý khác. Sàn hỗ trợ 3 ngôn ngữ: Anh, Nga, Trung Quốc. Đây được xem là sàn giao dịch lớn trên thế giới, tuy vậy thông tin về người đứng phía sau thành lập ra sàn này vẫn là ẩn số. Tại Việt Nam, sàn tiền thuật toán này là một trong 3 sàn giao dịch phổ biến nhất trong giới giao dịch tiền thuật toán Việt Nam.
Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tiền kỹ thuật số Nhật Bản đã chính thức công bố kế hoạch đối phó với khả năng chia tách giao thức Bitcoin vào ngày 1/8. Theo đó, 13 thành viên có hoạt động giao dịch bitcoin của nhóm, bao gồm Coincheck, Gmo-Z, Bitbank và Bitpoint sẽ đình chỉ các khoản tiền gửi bitcoin và rút tiền vào ngày 1 tháng 8 vào lúc 00:00 giờ Nhật.
Hồi đầu tháng 2, các nhà đầu như rơi vào cảnh ngồi trên đống lửa khi Mt.Gox bị tấn công mạng gây nghẽn cục bộ, buộc phải ngừng mọi giao dịch rút tiền. Nhiều triệu USD bị kẹt tại sàn. Đến ngày 23/2, CEO Mark Karpeles của Mt.Gox đã từ chức, rời khỏi ban lãnh đạo. Hôm 25/2, sàn bất ngờ đóng cửa mà không có thông báo nào đến người chơi, trang web trống rỗng và mọi nội dung trên Twitter trước đó bị xóa sạch.
Cũng trong tháng 3 sàn giao dịch Flexcoin có trụ sở tại Canada cho biết ngày 2/3 tin tặc đã tấn công hệ thống máy tính của sàn giao dịch này và đánh cắp toàn bộ 896 BTC, trị giá gần 600.000 USD. Việc can thiệp của chính quyền để đòi lại tiền cho khách hàng cũng rất khó. Sau sự cố hệ thống Bitcoin bị đột nhập, nhiều cơ quan đã nhảy vào phân tích và điều tra. Tuy vậy, để lấy lại số tiền đã mất là cực kỳ khó.
Trao đổi về vấn đề trên, anh Quốc Minh, chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh Online cho biết: “Nhiều sàn cũng lợi dụng tình trạng này để tuyên bố phá sản nhằm “bùng” tiền của khách hàng. Cụ thể, như trường hợp của sàn Mt.Gox, cũng đã lấy lý do bị tấn công và gặp trục trặc kỹ thuật để ngăn khách hàng rút tiền. Không lâu sau sàn này tuyên bố phá sản khiến hàng trăm ngàn khách hàng mất trắng hàng chục triệu USD”. Ông Minh cho biết: “Hiện nay, nếu tình trạng giá Bitcoin sụt giảm người thiệt hại đầu tiên vẫn là khách hàng.
"Tất cả giao dịch đều phụ thuộc vào hệ thống tại nước ngoài nên khi xảy ra sự cố người chịu thiệt luôn là khách hàng”- chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyên. NHNN khuyến cáo không giao dịch bằng Bitcoin, đây là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.
Theo NHNN, các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Do vậy, NHNN Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. |