Sân khấu chuyển đổi số, nỗ lực tiếp cận khán giả

Bài, ảnh: Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã tự tìm cho mình những hướng đi riêng, trong đó có thể kể tới những nỗ lực tiếp cận khán giả của nhiều nhà hát trên mạng xã hội đã tạo hiệu quả cao.

Chương trình ''Giữ lửa đam mê'' của Nhà hát Chèo Việt Nam.
Chương trình ''Giữ lửa đam mê'' của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Luôn bền bỉ với công tác tiếp cận khán giả trẻ nhiều năm qua, trong bối cảnh dịch Covid-19, vào mỗi tối Chủ nhật hằng tuần, các nghệ sĩ chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam đã livestream để biểu diễn phục vụ khán giả thông qua chương trình “Giữ lửa đam mê”.

Ngày 29/8/2021, nghệ sĩ Trần Thái Sơn là người đầu tiên mở màn chuỗi chương trình “Giữ lửa đam mê” chia sẻ trong buổi livestream: "Ngày trước, nghệ sĩ được biểu diễn rất nhiều để phục vụ chương trình, sự kiện của TP, thậm chí ở những nơi miền núi, hải đảo xa xôi để phục vụ bà con. Nhưng từ khi Covid-19 xuất hiện, các nghệ sĩ cũng phải tuân thủ các chỉ thị giãn cách - ai ở đâu ở yên đó. Nhưng với sứ mệnh của nghệ sĩ như Thái Sơn cần phải biểu diễn phục vụ cho khán giả. Bởi với nghệ sĩ, được biểu diễn phục vụ khán giả cũng như hơi thở, cơm ăn nước uống hàng ngày. Chúng tôi rất vui vì nhờ có công nghệ 4.0 được gần với khán giả hơn trong bối cảnh đại dịch".

Từ việc xây dựng chương trình, số lượng người tham gia, địa điểm biểu diễn đều được Nhà hát Chèo Việt Nam cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo chuyên môn cũng như công tác phòng chống dịch. Nói về những trăn trở của nghệ sĩ chèo khi biểu diễn trên nền tảng trực tuyến, Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn, Nhà hát Chèo Việt Nam Vũ Hương Lan cho biết: “Ban đầu chương trình dự kiến có 2 người gồm 1 nghệ sĩ và 1 người dẫn chương trình.

Tuy nhiên, nếu như vậy, một người phải đeo khẩu trang, một người hát không đeo sẽ không đảm bảo việc phòng, chống dịch. Vì vậy, chúng tôi quyết định chỉ để một nghệ sĩ xuất hiện trước khán giả. Bản thân tôi nghĩ, đây là dịp nghệ sĩ được rèn luyện bản thân mình khi đứng trước công chúng”.

Những ngày đầu tháng 2/2022, một trong những sản phẩm nghệ thuật được báo chí truyền thông đặc biệt ca ngợi đó là vở “Thượng thiên Thánh mẫu” của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Xem "Thượng thiên Thánh mẫu", khán giả sẽ thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính ước lệ, mềm mại của sân khấu cải lương với sự trực diện, mạnh mẽ của sân khấu xiếc. Hai loại hình nghệ thuật tưởng như đối lập nhau này, khi kết hợp đan xen đã bổ trợ, tạo nên một tổng thể nghệ thuật hài hòa, tinh tế.

Theo các diễn viên, nghệ sĩ gạo cội của sân khấu, để thu hút khán giả hôm nay thì nghệ thuật biểu diễn nói chung, đặc biệt là sân khấu phải được nâng cấp hiệu quả về công nghệ, nhất là công nghệ kỹ thuật số.

NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: “Các sản phẩm nghệ thuật online hiện nay chúng ta đưa lên mới chỉ mang tính chất tuyên truyền chứ chưa thực sự hấp dẫn để có thể kiếm tiền. Muốn thu được tiền của khán giả thì chúng ta phải có sự đầu tư về công nghệ để có những sản phẩm nghệ thuật thích ứng với thị trường nghệ thuật hiện nay. Trong lúc các nhà hát chưa có phòng thu, chưa có đủ các trang thiết bị công nghệ thì rất mong cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có sự chỉ đạo để làm sao những đơn vị đã được trang bị công nghệ trong ngành hỗ trợ cho chúng tôi điều kiện chia sẻ về phòng thu, công nghệ”.

Nhà hát, rạp biểu diễn đều có tuổi đời cả trăm năm, trang thiết bị kỹ thuật nghèo nàn không đáp ứng được yêu cầu thích ứng với nền cách mạng công nghệ 4.0. Trước mắt để thích ứng trong “trạng thái bình thường mới”, hàng loạt các chương trình, tác phẩm nghệ thuật đã lần lượt được các nhà hát trình làng. Đây là những nỗ lực, cố gắng đáng ghi nhận của các đơn vị nghệ thuật ngay giữa đại dịch theo đúng chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ và Bộ VHTT&DL.