Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sân khấu Thủ đô khởi sắc nhờ sáng đèn trở lại

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hoạt động của sân khấu Thủ đô đang diễn ra sôi nổi sau thời gian dài dừng hoạt động. Nghệ sĩ, diễn viên đều hào hứng, nỗ lực cống hiến để kéo khán giả đến nhà hát.

Sân khấu sáng đèn

Là một trong những đơn vị nghệ thuật hàng đầu của Thủ đô trong hoạt động biểu diễn, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 2 năm qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long gần như dừng mọi hoạt động biểu diễn trực tiếp. Thay vào đó, nhà hát xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật ghi hình phát sóng online để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Sau 2 năm đóng cửa, Nhà hát Múa rối Thăng Long chính thức biểu diễn trở lại.
Sau 2 năm đóng cửa, Nhà hát Múa rối Thăng Long chính thức biểu diễn trở lại.

Tối 19/2, là đêm diễn đầu tiên nhà hát mở cửa đón khách trở lại. Đêm diễn giới thiệu nhiều tiết mục đặc sắc và hấp dẫn về múa rối nước truyền thống - chương trình nghệ thuật được rất nhiều khán giả trong nước và quốc tế yêu thích trong nhiều năm qua. Đồng thời, Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng đang gấp rút hoàn thành chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Lễ Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 23/2/2022.

Trong guồng tập diễn hối hả những ngày này, có lẽ nhiều nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn chưa quên cảm giác náo nức, hồi hộp trước 3 suất diễn "Thượng Thiên Thánh Mẫu" từ mùng 6 - mùng 8 Tết vừa qua.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ: “Sau đêm diễn, không chỉ khán giả cảm thấy phấn chấn mà các nghệ sĩ cũng rất phấn khởi. Họ đã được sống cùng nghề sau một khoảng thời gian quá lâu không được biểu diễn trước khán giả. Đó là những tín hiệu tích cực cho sự hồi phục của nghệ thuật sau đại dịch… Việc cần làm bây giờ là bắt tay vào thực hiện các công việc tiếp theo, sốc lại tinh thần cho các nghệ sĩ, khắc phục những thiệt hại về kinh tế trong 2 năm vừa qua”.

Nghệ sĩ xiếc nỗ lực giữ lửa trên sân khấu tròn. Ảnh: Lại Tấn
Nghệ sĩ xiếc nỗ lực giữ lửa trên sân khấu tròn. Ảnh: Lại Tấn

Cảm giác vui mừng, hào hứng cũng đến với nghệ sĩ Sân khấu Lệ Ngọc. Kín lịch tập từ 8/2 đến nay, song thông tin Hà Nội mở cửa trở lại các rạp chiếu phim và cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật từ 10/2 khiến nhiều người như được tiếp thêm sức mạnh. Từ 21 – 25/2, đơn vị sẽ diễn 5 đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội với ba vở “Vụ án người đốt đền”, “Làm vua” và “Nước mắt của mẹ”, sau đó cả ba vở sẽ lưu diễn tại TP  Hồ Chí Minh từ 13 – 23/3, trung bình 2 suất diễn/ngày.

Khán giả là nguồn động lực

Sự khởi sắc này không phải tự nhiên mà có, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Hầu hết các đơn vị tổ chức biểu diễn đều đã chuẩn bị kỹ, đặc biệt là việc bảo đảm công tác phòng, chống dịch, như vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ rạp; giới hạn số ghế ngồi trong mỗi suất diễn.

Đơn cử, trong bối cảnh dịch bệnh, Nhà hát Tuổi trẻ đã khi dàn dựng vở “Ông không phải là bố tôi” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Đây cũng là vở diễn đã được nhiều nhiều nhà hát từng dàn dựng thành công nhưng đã được làm mới bằng thương hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ, đó là tiếng nói của người trẻ, cách nghĩ của lớp trẻ hiện đại.

Theo nghệ sĩ Đào Duy Anh - Phó Trưởng đoàn Kịch Nhà hát Tuổi trẻ, trợ lý của vở diễn: Trước tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, nhà hát vẫn luôn cố gắng mang các tác phẩm sân khấu tiếp cận tới khán giả. Dự kiến, trong thời gian tới, vở diễn “Ông không phải là bố tôi” sẽ được công diễn rộng rãi. Tuy nhiên chỉ bán vé với số lượng 30% số ghế trong rạp, khán giả phải tiêm đủ hai mũi vaccine, ngồi giãn cách khi xem. Dù không thể nhìn thấy nụ cười của khán giả vì lớp khẩu trang, nhưng qua ánh mắt, qua tiếng vỗ tay và những lời khích lệ vẫn là nguồn động lực cho chúng tôi và là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với những người làm sân khấu”.

Có thể thấy, sân khấu Thủ đô đang từng bước trở lại, đại diện các nhà hát cho rằng, việc cần làm bây giờ là sốc lại tinh thần nghệ sĩ và khắc phục những thiệt hại về kinh tế trong 2 năm qua, mà điều này chỉ riêng các đơn vị nghệ thuật thì không làm được. Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho hay: “Chúng tôi không mong khán giả kín rạp nhưng cũng phải được một lượng nhất định, bởi thời điểm này có lẽ nhiều khán giả chưa sẵn sàng đến rạp. Việc khởi động lại rất quan trọng, tuy nhiên vì nghệ thuật, nghệ sĩ và khán giả cần được an toàn, như thế phải có sự chung tay của cơ quan Nhà nước giúp các nhà hát giảm áp lực về kinh tế trong bối cảnh nỗi lo giá xét nghiệm Covid-19 chồng giá vé”.

Cùng với những tín hiệu vui dịp đầu năm mới từ các đơn vị nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đã khởi động Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V - Hà Nội 2022. Liên hoan dành cho các đơn vị nghệ thuật trong nước và quốc tế. Đây cũng là sân chơi nghệ thuật dành cho người làm nghề chuyên nghiệp, đề cao sự tìm tòi, khám phá mới, có tính thử nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của các biên kịch, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, diễn xuất, âm thanh ánh sáng, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình sân khấu.