Sân khấu vẫn thiếu hơi thở cuộc sống

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, sân khấu Hà Nội chưa có nhiều tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống. “Vùng an toàn” khiến nhiều cây bút trẻ khó bứt phá.

Những ý kiến trên được các nhà nghiên cứu, đạo diễn, người làm sân khấu chia sẻ tại hội thảo "Sân khấu Hà Nội với cuộc sống hôm nay" do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức mới đây.
Thiếu đột phá

Tại hội thảo “Sân khấu Hà Nội với cuộc sống hôm nay”, nhiều đạo diễn, nhà viết kịch đã nói lên thực trạng thiếu vắng tác phẩm sân khấu về đời sống đương đại của Hà Nội. Tình trạng này không chỉ mới xuất hiện trong mùa Liên hoan sân khấu Hà Nội năm 2020 mà đã tồn tại trong nhiều Liên hoan Sân khấu Thủ đô những năm qua. Nhìn nhận kịch bản sân khấu Thủ đô rơi vào trạng thái tĩnh lặng, mòn cũ, đạo diễn Hoàng Thanh Du chia sẻ: “Cuộc sống hôm nay không riêng gì Hà Nội đang có nhiều băn khoăn, lo ngại về sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Vậy nhưng, sân khấu Hà Nội hiện giờ lại thiếu vắng những vở diễn về vấn đề đương đại mang tính nhân văn nói chung và cái hồn thanh lịch ngàn năm linh thiêng của Hà Nội nói riêng”.
Sân khấu quay - công nghệ làm mới sân khấu Thủ đô. Ảnh: Lại Tấn
Thực tế, qua những liên hoan sân khấu, đêm diễn của các đơn vị nghệ thuật gần đây, sân khấu Thủ đô đã có những sáng tạo trong thiết kế, âm nhạc, tạo hình nhân vật như sự xuất hiện của sân khấu quay của Nhà hát Kịch Hà Nội, đổi mới trong ngoại hình của các con rối trong vở “Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Trí Trắc, đa phần kịch bản vẫn hướng tới những đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại, chiến tranh cách mạng, nước ngoài và dựng lại kịch bản cũ. Khán giả chỉ thấy nếp sống ngày xưa, đạo lý quá khứ bất biến và trang phục, tập quán của thời phong kiến, thời cách mạng. Cách dàn dựng tác phẩm vẫn theo lối mòn. Hầu hết vở diễn đã được ra mắt khán giả khá “sạch sẽ”. "Thậm chí có những đạo diễn trẻ mới tốt nghiệp để an toàn chuyên dựng lại các vở cũ đã có tên tuổi rồi biên tập lời thoại, sự kiện thời sự mới làm mất tính lịch sử bối cảnh kịch bản khi nó ra đời. Đó là việc làm cần được lên án và loại bỏ" - đạo diễn Hoàng Thanh Du bày tỏ.

Buông lỏng vai trò chỉ đạo nghệ thuật

Sân khấu Hà Nội phát triển chậm so với thực tế xã hội đang thay đổi. Bởi thế rất cần có sự đổi mới thực sự để thoát khỏi lạc hậu, loanh quanh với những đề tài lịch sử, mâu thuẫn cá nhân vụn vặt đời thường. Nhấn mạnh vai trò của những người thẩm định, kiểm duyệt kịch bản, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu chia sẻ: “Vai trò chỉ đạo nghệ thuật được xem như định hướng cho một đường hướng nghệ thuật (ở cấp vĩ mô từ Bộ VHTT&DL đến Sở VHTT&DL), cho kịch mục (phó giám đốc phụ trách nghệ thuật đoàn kịch, nhà hát) và cho một tiết mục, vở diễn (người chỉ đạo nghệ thuật cụ thể ở tiết mục). Sự thiếu vắng chất Hà thành trong sân khấu những năm gần đây và hôm nay, trong Liên hoan hội diễn sân khấu Hà Nội vừa rồi là một kết quả của sự buông lỏng vai trò chỉ đạo nghệ thuật”.

Nhìn nhận ở góc độ bao quát hơn, các nhà nghiên cứu, viết kịch, đạo diễn cho rằng, để có những vở diễn chất lượng về đề tài hiện đại với những hình tượng con người mới, gần gũi với Nhân dân không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước, hội nghề nghiệp mà còn phụ thuộc tư duy sáng tạo của cá nhân từng tác giả. “Khán giả không thờ ơ với sân khấu nếu sân khấu thực sự khắc họa được những chân dung tiêu biểu, đặc sắc về con người mới” - NSND Bùi Thanh Trầm chia sẻ.

"Để sân khấu Hà Nội phát triển cần có cơ chế khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá tác phẩm sân khấu; mở rộng hơn các đối tượng đào tạo (quản lý nghệ thuật biểu diễn, tổ chức biểu diễn, marketing nghệ thuật) để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp.' - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội NSND Trần Quốc Chiêm