Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp nhiệt đới, thuận lợi để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, đa dạng, đặc trưng theo từng vùng, miền.
Sản phẩm nông lâm, thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang trên 180 thị trường trên thế giới, phủ khắp trên hầu hết các nước trên toàn cầu. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí tốp đầu trên thế giới như lúa gạo, cà phê, chè, điều, hồ tiêu, thủy sản, đồ gỗ…
Việt Nam là nước đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Việt Nam xuất khẩu chè sang 61 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu chè. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nay đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc về sản lượng và xuất khẩu chè xanh. Trong năm 2018 lượng chè xuất khẩu của cả nước đạt 128.000 tấn, trị giá đạt 219 triệu USD.
Trung Quốc là một trong những thị trường lớn và truyền thống nhập khẩu nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ là thị trường nhập khẩu xếp thứ 12 về cà phê với kim ngạch đạt trên 109 triệu USD, và đứng thứ 4 về chè đạt kim ngạch gần 20 triệu USD (đứng thứ 1 về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 5 về thủy sản)...
Tại diễn đàn, các cơ quan nhà nước, địa phương, doanh nghiệp hai nước trao đổi hợp tác phát triển sản xuất, chế biến và thương mại chè và cà phê Việt Nam - Trung Quốc; trao đổi, học tập kinh nghiệm từ đó giúp hai nước có các định hướng trong sản xuất, chế biến nhằm phát triển thương mại đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của thị trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chè và cà phê hai nước trao đổi, tìm hiểu, tăng cường liên kết trong sản xuất, cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến và liên kết trong phát triển thị trường tiêu thụ, đảm bảo lợi ích chung của Nhân dân hai nước.