Kinhtedothi - Theo báo cáo của EVN, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN trong 8 tháng tăng 10,41% so với cùng kỳ năm 2013. Điện bán ra cũng tăng 10,43% so với cùng kỳ năm 2013.
Vận hành cấp điện tại trạm 110kV Bờ Hồ. Ảnh: Ngọc Hà
Thông thường, điện bán ra đang tăng, tức là nhu cầu tiêu thụ tăng điều đó là dấu hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đáng nói là báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn suy giảm chưa có dấu hiệu hồi phục, sức tiêu thụ các mặt hàng từ tiêu dùng tới công nghiệp đều kém. Còn nữa, trong cơ cấu tiêu thụ điện năng của Việt Nam hiện nay hai khu vực chiếm tỉ lệ tiêu thụ điện áp đảo là công nghiệp và sinh hoạt dịch vụ. Trong đó công nghiệp chiếm gần một nửa điện năng; sinh hoạt dịch vụ là khoảng 40% lượng điện sử dụng. Nhưng gần đây, phát triển công nghiệp đang bị chững lại, số DN phá sản, đóng cửa tăng cao nhưng điện bán ra vẫn tăng tức là điện năng sử dụng đang dồn cho khu vực sinh hoạt, dịch vụ, không phục vụ khu vực sản xuất. Như vậy sẽ thấy một sự mất cân đối đang xảy ra giữa sử dụng và sản xuất. Dùng quá nhiều điện mà sản sinh ra ít của cải là điều rất đáng để phải lo. Lo không chỉ là việc cung không đủ cầu thì điện còn thiếu mà nó còn là việc tiêu thụ điện nhiều nhưng chưa tạo ra được giá trị kinh tế cao từ mỗi kWh điện. Để thấy rõ điều này một chỉ số chung được chọn là Hệ số đàn hồi (HSĐH). Để GDP tăng thêm 1%, trong khoảng 5 năm trở lại đây HSĐH của nước ta giao động từ 1,98 - 2. Đây là con số khá cao so với các nước trong khu vực và cả trên thế giới. Đặc biệt, ở các nước phát triển, hệ số này chỉ vào khoảng xấp xỉ bằng 1, thậm chí có những nước chỉ từ 0,5 - 0,8.
Thực tế trên là hệ quả tất yếu của cả một chuỗi các nguyên nhân. Trong đó phải kể đến nguyên nhân do nội tại của nền kinh tế. Trong một thời gian dài, để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, một loạt các ngành công nghiệp nặng được ưu tiên phát triển như luyện kim, xi măng, sắt thép… Rồi đến công nghiệp gia công dệt may, da giầy… Đó là những ngành công nghiệp sử dụng rất nhiều điện năng do máy móc cũ, công nghệ lạc hậu… nên làm ra giá trị gia tăng thấp. Mặt khác, ý thức sử dụng điện của chúng ta cũng còn thấp, dẫn đến dùng điện một cách lãng phí,… Do đó, nhiệm vụ trước mắt là phải điều khiển nhu cầu dùng điện tới mức tối đa. Nhưng điều khiển được nhu cầu đồng thời cũng phải đẩy mạnh được nguồn cung. Đẩy được nguồn cung phải phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư. Trong bối cảnh nội lực kinh tế còn yếu như hiện nay thì việc tăng vốn đầu tư cho ngành điện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó đòi hỏi những thay đổi trong thể chế, chính sách, đẩy mạnh tiến trình tái công trúc nền kinh tế đồng thời tăng ý thức sử dụng điện của mỗi người dân.