Đó là những hạn chế, vướng mắc của DN sản xuất SPCNCL TP Hà Nội được nhiều chuyên gia thẳng thắn chỉ ra.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế thế hệ mới, Hà Nội đã ban hành và triển khai Đề án phát triển SPCNCL TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Không thể phủ nhận kết quả sau 2 năm triển khai đề án, nhiều sản phẩm đã được UBND TP Hà Nội công nhận là SPCNCL.
Cụ thể, năm 2018 đã có 61 sản phẩm được xét chọn và công nhận SPCNCL. Đáng lưu ý, tổng doanh thu của 61 sản phẩm này đã đạt 40.000 tỷ đồng, chiếm tới 32,5% giá trị sản xuất ngành công nghiệp TP Hà Nội. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 10.000 tỷ đồng; 15 DN doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm, trong đó có Công ty CP Vicostone, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam… doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng/năm.
Sản xuất đồ gốm của Công ty Quang Vinh ( Bát Tràng) là một trong những SPCNCL TP Hà Nội. Ảnh: Lê Nam |
Không dừng lại ở thành công bước đầu, từ đầu năm 2019 đến nay, đã có thêm 31 DN với 40 sản phẩm đăng ký tham gia xét chọn SPCNCL TP Hà Nội. Doanh thu từ SPCNCL tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 46.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 42,9% tổng doanh thu sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu 11.610 tỷ đồng.
Nói về những lợi ích khi sản phẩm được UBND TP Hà Nội công nhận là SPCNCL, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh Nguyễn Trọng Tiếu chia sẻ: “DN có sản phẩm được công nhận là SPCNCL luôn chú trọng nâng cao năng lực, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm. Quan trọng hơn cả, hoạt động này còn giúp DN tiêu thụ sản phẩm ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Các sản phẩm này có tính lan tỏa mạnh, giá trị gia tăng cao và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường trong và ngoài nước”.
Vẫn phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Tại hội nghị "Đối thoại, đồng hành cùng phát triển giữa lãnh đạo TP và DN sản xuất SPCNCL TP Hà Nội" do Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức, TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) nêu rõ, dù mang danh hiệu SPCNCL nhưng việc chế tạo vẫn ở dạng gia công đơn giản, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.
Năng suất lao động thấp, trình độ nhân lực cũng như năng lực quản lý của DN chưa cao, dẫn tới việc sản phẩm không đủ sức cạnh tranh ở những gói thầu, dự án có yêu cầu kỹ thuật cao. Đây chính là điểm yếu khiến DN Việt Nam khó “chen chân” vào chuỗi sản xuất của những thương hiệu, tập đoàn lớn của nước ngoài.
Đồng thời, các SPCNCL của Hà Nội cũng chưa tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập để tiếp cận công nghệ tiên tiến. Ngay bản thân các DN có SPCNCL chưa liên kết được với nhau thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ.
Nói về những khó khăn, bất cập mà các DN sản xuất SPCNCL đang phải đối mặt trong quá trình phát triển, các DN cũng cho rằng, nhiều SPCNCL đang bị đánh đồng vào sản phẩm chất lượng thấp, điều này gây ra hệ lụy vô cùng phức tạp cho DN.
Bên cạnh đó, những vấn đề về thuế, đất đai, vốn, mặt bằng sản xuất, thủ tục hành chính… là những khó khăn mà DN sản xuất SPCNCL đang phải đối mặt. “Đặc biệt, TP Hà Nội phải xác định rõ sản phẩm nào là thế mạnh nên ưu tiên tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, có như vậy mới có thể tạo đà cho sự phát triển lâu dài. Không nên lựa chọn các sản phẩm cũ, dù chiếm tỷ trọng cao nhưng không phù hợp xu thế phát triển” - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt Công nghiệp Hà Nội Phạm Hòa Bình kiến nghị.
Trước những ý kiến từ phía DN, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tăng cường hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, hệ thống quản lý, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, cải tiến mẫu mã... qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của SPCNCL. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các ngành, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan.
Với định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các SPCNCL của TP, hy vọng ngành công nghiệp Thủ đô sẽ có thêm nhiều sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững.
"TP Hà Nội đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực của DN có SPCNCL nói riêng và các đơn vị sản xuất công nghiệp nói chung, để đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm; nắm bắt và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho DN. Đồng thời thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại tăng cường quảng bá thương hiệu, kết nối rộng rãi giữa các nhà sản xuất và phân phối." -Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Lê Hồng Thăng |